Quên mật khẩu

Đăng ký


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]


CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA   TrungQuoc-1


I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (The People's Republic of China).
2. Thủ đô: Bắc Kinh
3. Vị trí địa lý: Nằm ở phần nửa phía Bắc của Đông bán cầu, phía Đông Nam đại lục Á - Âu, phía Đông và giữa châu Á, phía Tây của Thái Bình Dương; có biên giới chung với Nga, Mông Cổ (phía Bắc), với Kazakstan, Kirgizstan, Tajikistan (phía Tây), với Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nê-pan, Bu-tan (phía Tây Nam), với Myanma, Lào, Việt Nam (phía Nam), với Triều Tiên (phía Đông).
4. Diện tích: 9,6 triệu km2
5. Khí hậu: Trung Quốc thuộc khu vực gió mùa, khí hậu đa dạng từ ấm đến khô. Nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 1 là -4,7oC, tháng 7 là 26oC.
6. Dân số: hơn 1,3 tỷ người.
7. Dân tộc: Trung Quốc có 56 dân tộc. Dân tộc Hán là chủ yếu, các dân tộc thiểu số (chiếm 6% dân số cả nước và phân bố trên 50-60% diện tích toàn quốc).
8. Tôn giáo: Có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Đạo giáo, Đạo Hồi, Thiên chúa giáo.
9. Ngôn ngữ: Tiếng Hán phổ thông lấy âm Bắc Kinh làm tiêu chuẩn.
10. Ngày quốc khánh: 01/10/1949.
11. Thể chế nhà nước: Theo hiến pháp Trung Quốc, nước CHND Trung Hoa là nước Xã hội Chủ nghĩa của nền chuyên chính nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh công nông làm nền tảng.

II. QUAN HỆ NGOẠI GIAO, KINH TẾ VỚI VIỆT NAM:
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 18/1/1950
Kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đến nay, hai nước đã ký nhiều hiệp định cấp Chính phủ và các văn kiện hợp tác khác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Trao đổi đoàn ở trung ương và địa phương ngày càng tăng, hàng năm hai bên trao đổi trên 100 đoàn ở cấp lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, đoàn thể quần chúng, góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng hợp tác giữa hai nước.
2. Quan hệ chính trị
Các cuộc gặp gỡ giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì đều đặn hàng năm. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 2/1999, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Dịp Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc tháng 12/2000, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, cụ thể hoá phương châm 16 chữ đó thành những biện pháp cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng đã thoả thuận đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2008, hai bên nhất trí phát triển “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đồng thời nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tạo cơ sở cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài trong thời gian tới. Hai bên đã chuẩn bị nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa trong năm 2010 - dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung và là “Năm Hữu nghị Việt-Trung”.
- Năm 2009, phía ta có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi dự Hội nghị Bác Ngao, thăm Quảng Đông, Hồng Công và Ma Cao (4/2009), dự Hội chợ miền Tây Tứ Xuyên và thăm chính thức Tứ Xuyên, Trùng Khánh (10/2009), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi (7/2009), Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị (3/3009), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Hà Thị Khiết (5/2009), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (5/2009) sang thăm Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sang Trung Quốc dự Hội nghị WEF (9/2009), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN và thăm Quảng Tây (10/2009); Phía Trung Quốc có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Nguyên Triều (6/2009), Bí thư Ban Bí thư, Phó Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Hà Dũng (8/2009) thăm Việt Nam, Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc sang thăm ta và dự họp Phiên thứ 3 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương (3/2009), Ngoại trưởng Dương Khiết Trì sang Việt Nam dự Hội nghị FMM 9 (5/2009).
Trong các chuyến thăm, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu của hai nước và nhân dân hai nước, cần được hết sức giữ gìn và không ngừng vun đắp; khẳng định sẽ làm hết sức mình để đưa quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn, tin cậy hơn, cùng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Hai bên đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (11/2006) và đã tiến hành 3 phiên họp (phiên thứ 3 họp tại Hà Nội tháng 3/2009).
- Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng. Từ cuối năm 2007, phía Trung Quốc khôi phục lại việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cao cấp và trung cấp cho ta. Tháng 12/2008, Trưởng ban liên lạc đối ngoại Trung Quốc Vương Gia Thụy thăm Việt Nam, hai bên đã trao đổi ý kiến về các biện pháp tăng cường giao lưu giữa các cơ quan hai Đảng trên các lĩnh vực đào tạo cán bộ, công tác xây dựng Đảng…Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ký thoả thuận về cơ chế hợp tác giao lưu.
Việc giao lưu giữa thế hệ trẻ 2 nước được duy trì (tháng 10/2008, đã diễn ra cuộc “Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 8 với chủ đề Giao lưu hữu nghị Việt - Trung; Đoàn tàu thanh niên sáng nghiệp gồm 150 đại biểu thanh niên Quảng Tây thăm và làm việc tại Việt Nam 26-31/7/2009).
- Quan hệ giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng được tiếp tục tăng cường với việc ký các thỏa thuận hợp tác.
- Quan hệ giữa các địa phương hai bên cũng được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như trao đổi đoàn các cấp, ký kết các văn bản hợp tác, cùng nhau tổ chức hội thảo, triển lãm...
Liên tiếp trong 5 năm kể từ năm 2004 đến 2008, hàng năm lãnh đạo Quảng Tây đều sang thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ Ngoại giao (Bí thư Khu uỷ Quảng Tây Quách Thanh Côn thăm Việt Nam 2-5/4/2008). Ngoài ra, Tỉnh trưởng Vân Nam Tần Quang Vinh (4/2007); Ủy viên BCT, Bí thư tỉnh Quảng Đông Uông Dương (9/2008); Ủy viên BCT, Bí thư Thiên Tân Trương Cao Lệ (11/2008), Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam La Bảo Minh (8-12/7/2009), Tỉnh trưởng Quảng Đông Hoàng Hoa Hoa (17-21/10/2009) cũng đã thăm ta. Lãnh đạo Việt Nam cũng nhiều lần thăm các địa phương phía Nam của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Tứ Xuyên, Trùng Khánh v.v. Lần đầu tiên hai bên đã tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt - Trung 2009 vào tháng 5/2009.
Hai bên đã tiến hành phiên họp thứ hai Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang với Quảng Tây (5/2009 tại Quảng Tây); 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Vân Nam (8/2009 tại Vân Nam) nhằm trao đổi biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực cụ thể, chú trọng hiệu quả thiết thực, xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị. Trong khuôn khổ hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, hai bên đã tiến hành Hội nghị lần thứ 5 về hợp tác hành lang kinh tế giữa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc) (11/2009) tại Hà Nội.
- Hiện nay Việt Namcó các Tổng lãnh sự quán tại Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Hồng Công, tháng 11/2007, Việt Nam đã mở thêm Văn phòng Lãnh sự tại Thượng Hải trực thuộc Đại sứ quán ta tại Bắc Kinh.
3. Quan hệ kinh tế thương mại:
a. Về thương mại:
- Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2007, kim ngạch mậu dịch hai nước đạt gần 16 tỷ USD, hoàn thành trước 3 năm mục tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra là đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 15 tỷ USD vào năm 2010. Hai bên cũng đã đề ra mục tiêu mới nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD vào năm 2010.
- Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt trên 20 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2009 đạt 16,6 tỷ USD, trong đó ta xuất 3,7 tỷ USD, nhập 12,9 tỷ USD.
- Hai bên tích cực trao đổi các biện pháp duy trì đà tăng trưởng kim ngạch thương mại đi đôi với cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, trong đó có việc sớm ký “Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế thương mại Việt – Trung”.
b. Về hợp tác đầu tư:
- Quan hệ hợp tác đầu tư có bước phát triển mới, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Đến giữa tháng 11/2009, Trung Quốc có 661 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt 2,6 tỷ USD, đứng thứ 15/89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
- Hiện hai bên đã triển khai một số dự án hợp tác kinh tế lớn như Dự án xây dựng nhà máy khai thác và tuyển luyện đồng tại Sin Quyền; nhà máy phân đạm Hà Bắc; Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh I, II; Dự án thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai và khu đầu mối Hà Nội; Dự án hiện đại hoá hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - thành phố Hồ Chí Minh, Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám Ninh Bình v.v…; Dự án viễn thông nông thôn; Dự án đường sắt đô thị tuyến Hà Nội - Hà Đông v.v… Hai bên cũng nhất trí tăng cường thúc đẩy các doanh nghiệp của hai nước hợp tác lâu dài cùng có lợi trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác, tăng cường hợp tác trong các dự án trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” và các dự án lớn khác. Tháng 7/2008, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam và Công ty Hữu hạn công trình quốc tế Nhôm Trung Quốc (CHALIECO) đã ký Hợp đồng EPC xây dựng Nhà máy Alumin, thuộc Dự án Tổ hợp Bauxit - nhôm Lâm Đồng trị giá 446 triệu USD.
Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại dùng vào việc tổ chức các đoàn khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội ở Trung Quốc; giao lưu thanh thiếu niên; đầu tư trang thiết bị cho một số bệnh viện tại Việt Nam;
4. Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch
- Hàng năm, Trung Quốc cung cấp và duy trì số lượng 130 học bổng dài hạn và 10 học bổng thực tập sinh ngắn hạn cho Việt Nam. Trong 3 năm qua, số lượng lưu học sinh Việt Nam sang du học ở Trung Quốc tăng nhanh. Hiện có khoảng 12.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng. Trung Quốc hiện nay có khoảng trên 2000 người đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành tiếng Việt, du lịch và kinh doanh.
- Hai bên thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Văn hoá năm 2007-2009 giữa hai Chính phủ và phối hợp hoạt động trong khuôn khổ ASEAN + Trung Quốc. Hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hoá, thể thao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trung Quốc dành ưu đãi trong việc huấn luyện cho các vận động viên và các đoàn thể thao của Việt Nam sang nghiên cứu, học tập và tập huấn tại Trung Quốc.
- Về hợp tác du lịch: Trung Quốc là thị trường nguồn du lịch lớn nhất của Việt Nam. 11 tháng năm 2009 có hơn 476 ngàn lượt khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam. Trung Quốc có hơn 47 dự án với tổng số vốn đăng ký 650 triệu USD đầu tư trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, nhà hàng, sân golf…
5. Về biên giới lãnh thổ:
- Năm 1993, hai bên đã ký Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên biển (Biển Đông).
Đến nay, hai bên đã ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền (1999); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000); Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2000); Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004).
- Về biên giới trên bộ: Cuối năm 2008, hai bên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đúng thời hạn Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thoả thuận và ngày 23/2/2009 đã tổ chức Lễ chào mừng sự kiện trên tại khu vực cửa khẩu Hữu nghị - Hữu nghị quan. Ngày 18/11/2009, tại cuộc gặp giữa 2 Trưởng Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, hai bên đã ký Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu và nhất trí sớm đàm phán ký kết Thỏa thuận về tàu thuyền qua lại tự do tại cửa sông Bắc Luân, Thỏa thuận về Hợp tác cùng phát triển ở khu vực Thác Bản Giốc.
- Về Vịnh Bắc Bộ: hai Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ) được triển khai tương đối thuận lợi, công tác quản lý đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi dần đi vào nề nếp, hạn chế tối đa các xung đột có thể nảy sinh. Hai bên thỏa thuận tiếp tục thực hiện tốt hai Hiệp định này, cũng như thực hiện tốt công tác kiểm tra liên hợp, điều tra liên hợp nguồn thủy sản trong Vùng đánh cá chung và tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ, đẩy nhanh việc thực hiện “Thỏa thuận khung về hợp tác dầu khí trong vùng thỏa thuận tại Vịnh Bắc Bộ”, đã tiến hành 5 vòng đàm phán về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh. Hai bên đã tổ chức 2 vòng đàm phán về hoạt động của tàu cá Việt Nam - Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế của hai nước tại Vịnh Bắc Bộ sau khi vùng dàn xếp quá độ đã hết hiệu lực.
- Về vấn đề biển Đông: Từ năm 1995 đến tháng 7/2006, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành 11 vòng đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề trên biển. Trong các cuộc gặp giữa 2 Trưởng Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt-Trung thời gian gần đây, hai bên nhất trí kiên trì thông qua đàm phán hoà bình giải quyết vấn đề biển Đông phù hợp với quan hệ hữu nghị hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 và tinh thần DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong quá trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề biển Đông, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học, môi trường biển, tìm kiếm cứu nạn, khí tượng thủy văn...
5. Địa chỉ Đại sứ quán hai nước:
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam:
Địa chỉ: 46 Hoàng Diệu, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 04-38453736
Fax: 04-38232826
Email: ossc@hn.vnn.vn
Website: vn.china-embassy.org
Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Ho Chi Minh City 39 Nguyen Thi Minh Khai Str., Dist.1.
Điện thoại: 08-38292457
Fax: 08-38295009
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc:
Địa chỉ: No 32 Guanghua Rd, Chaoyang Dist, Beijing, PC:100600
Điện thoại: + 86-10-65321155
Fax: + 86-10-65325720
Email: suquanbk@yahoo.com
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc):
Địa chỉ: Room 507, Hong Ta Mansion, No 155, Beijing Road, Kunming, China.
Điện thoại: +86-871-3522669; +868713515889
Fax: +86-871-3516667
Email: tlsqcm@yahoo.com
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc)
Địa chỉ: 15/F, 230 Wan Chai Road, Wan Chai, Hong Kong
Điện thoại: +852-25914510; 28359358
Fax: +852-25914524; 25914539
Email: tlsqhk@mofa.gov.vn
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc):
Địa chỉ: 109 Minzu Anvenue, Nanning. PC: 530022
Điện thoại: +86-771-5510560/5510561/5510562
Fax: +86-771-5534738
Emai: tlsq@rediffmail.com
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc):
Địa chỉ: 2F, B Building, Hotel Landmark Canton, Haizhu Square, Guangzhou, 510115.
Điện thoại: +86-20-83305911; 83305910
Fax: +86-20-83305915
Email: Tlsq.quangchou@mofa.gov.vn
Giờ địa phương so với Việt Nam: +1 giờ
(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật ngày 25/12/2009)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết