I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Cộng hòa nhân dân Băng-La-Đét
2. Thủ đô: Đắc-ca (Dhaka).
3. Vị trí địa lý: Nằm ở phía Đông Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ. Phía Tây, phía Bắc và phía Đông giáp Ấn Độ; Đông Nam giáp Myanmar và phía Nam giáp Vịnh Bengal.
4. Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng và ẩm. Mùa hè nhiệt độ trung bình từ 24- 39 độ C; mùa đông từ 18 - 23 độ C.
5. Diện tích: 148.393 km2.
6. Dân số: 164.707.000 người (2009- số liệu IMF), trong đó người Bengali chiếm 98%, phần còn lại là dân di cư từ vùng lân cận và dân bản địa.
7. Tôn giáo: Hồi giáo là quốc đạo, chiếm 88,3%; Đạo Hindi chiếm 10,5%; Phật giáo chiếm 0,6%; Thiên chúa giáo và tín ngưỡng khác chiếm 0,6% dân số.
8. Ngôn ngữ: Tiếng Bengali (khoảng 95% dân sử dụng); tiếng Anh được sử dụng rộng rãi.
9. Ngày Quốc khánh: 26/3/1971.
10. Tiền tệ: Ta kar.
11. Thể chế chính trị: Băng-la-đét theo chế độ dân chủ đa đảng. Từ tháng 9/1991, Băng-la-đét chuyển từ chế độ Tổng thống sang chế độ dân chủ nghị viện.
- Nguyên thủ quốc gia: Đứng đầu Nhà nước là Tổng thống, do Quốc hội bầu ra với nhiệm kỳ 05 năm, chủ yếu mang tính nghi thức.
- Quốc hội (Jatiya Sangsad) là cơ quan lập pháp tối cao gồm 330 đại biểu (30 ghế dành riêng cho phụ nữ), được bầu trực tiếp thông qua Tổng tuyển cử với nhiệm kỳ 5 năm.
- Chính phủ: là cơ quan hành pháp cao nhất.
- Toà án tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất.
II. QUAN HỆ NGOẠI GIAO, KINH TẾ VỚI VIỆT NAM:
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 11/2/1973
Ngay sau khi giành độc lập, Băng-la-đét quan tâm theo dõi và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta. Chính phủ Băng-la-đét lên án Mỹ ném bom miền Bắc. Phong trào quần chúng ủng hộ Việt Nam chống Mỹ lên rất cao và lan rộng trên cả nước. Băng-la-đét là nước đầu tiên ở Nam Á, và là nước thứ 2 ở châu Á không theo chế độ CNXH đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Hai bên bắt đầu trao đổi một số đoàn và có một số trao đổi kinh tế, thương mại.
Từ năm 1990 đến nay, quan hệ hai bên có nhiều bước phát triển mới, quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Tháng 11/1993, Băng-la-đét lập Đại sứ quán tại Hà Nội và ta mở lại Đại sứ quán tại Đắc-ca từ tháng 1/2003. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Phía ta thăm Băng-la-đét gồm có: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (9-10/3/1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (22-24/3/2004), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (16-18/7/2003), Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang (14-17/11/2009). Phía Bạn thăm ta gồm có: Bộ trưởng Thương mại T. Ac-met (9/1996), Bộ trưởng Ngoại giao A.S.A-dat (5/1999), Bộ trưởng Nông nghiệp M.K An-oa (10/2003), Bộ trưởng Ngoại giao M. Mốc-sét Khan và Bộ trưởng Văn hoá Se-li-ma Ra-man (7/2004), Thủ tướng Kha-lê-đa Di-a (17-19/5/2005). Bộ trưởng Công Nghiệp Băng-la-đét Dilip Barua thăm Việt Nam (30-31/5/2009). Đoàn Ủy ban nhà nước về cổ phần hóa Băng-la-đét thăm Việt Nam (17-21/6/2009). Bộ trưởng Ngoại giao Băng-la-đét Di-pu Mô-ni gặp Phó Thủ tướng/Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm bên lề Hội nghị cấp cao Không liên kết tại Ai Cập (16/7/209). Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông Băng-la-đét thăm Việt Nam (15-23/8/2009). Bộ trưởng Bưu chính viễn thông Băng-la-đét R.U. A-mét Ra-du dự Diễn đàn công nghệ thông tin thế giới (WITFOR) tại Hà Nội (26-28/8/2009). Bộ trưởng Y tế và phúc lợi XH Băng-la-đét Ru-han Ha-kê thăm Việt Nam (18-19/11/2009).
Hai bên đã tiến hành họp Ủy ban hỗn hợp lần đầu tiên (do Bộ trưởng Công thương chủ trì) tại Việt Nam (6-7/2/2006).
Quan hệ thương mại Việt Nam-Băng-la-đét còn nhỏ bé nhưng đang phát triển theo chiều hướng tốt. Năm 2008, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 64,6 triệu USD.
Việt Nam xuất sang Băng-la-đét chủ yếu gồm các mặt hàng như: vải, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm mây, tre, cói và thảm, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử, gỗ, gốm, sứ ...Các sản phẩm nhập khẩu gồm: tân dược, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may da, sợi các loại, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng, linh kiện điện tử, phân U-rê...
Hợp tác trên các lĩnh vực khác còn chưa phát triển mạnh, chủ yếu giới hạn ở mức độ trao đổi kinh nghiệm về phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thủy sản, bảo vệ môi trường....Hai bên đang phấn đấu đưa hợp tác kinh tế, thương mại cũng như trên các lĩnh vực khác như nông - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục-đào tạo, du lịch, y tế…lên tương xứng với quan hệ chính trị.
Hai bên hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế như LHQ, Phong trào Không liên kết, ASEAN...Băng-la-đét ủng hộ ta làm ứng cử viên không thường trực của HĐBA/LHQ khoá 2008-2009 và gia nhập WTO. Băng-la-đét đề nghị ta ủng hộ bạn tham gia ARF, tham gia hợp tác Sông Mêkông-Sông Hằng, ASEM, hàng lang kinh tế Đông-Tây.
Hai bên đã ký kết 14 Nghị định, thỏa thuận, Hiệp định về hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư,...
2. Các Hiệp định, Thỏa thuận đã ký giữa hai nước:
- Hiệp định vận chuyển hàng không (1993),
- Bản ghi nhớ về tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (1994),
- Hiệp định hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật (1994),
- Hiệp định thương mại (1996),
- Hiệp định văn hoá (1997),
- Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (1997),
- Hiệp định hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Hãng thông tấn Băng-la-đét (1997),
- Thoả thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn các Phòng Thương mại-Công nghiệp Băng-la-đét (1997),
- Thoả thuận hợp tác về phát triển nguồn nước và kiểm soát lũ lụt (1999),
- Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao, công vụ (1999),
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2004),
- Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (2004),
- Nghị định thư về chương trình trao đổi văn hoá giai đoạn 2004-2007 (2004),
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (05/2005).
3. Địa chỉ đại sứ quán
a. Đại sứ quán Băng-la-đét tại Việt Nam:
Địa chỉ: số D6B-05 khu Vườn Đào, ngõ 675 đường Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ, Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: (84-04) 3771 6625, 7829
Fax: (84-04) 3771 6628
Email:
bdoothn@netnam.org.vnb. Đại sứ quán Việt Nam tại Băng-la-đét:
Địa chỉ: Vintage Building, Plot No.07, Road No.104, Gulshan-2, Dhaka 1212, Bangladesh.
Điện thoại: +880-2-8854052/+880-2-8854052/ext:105
Fax: +880-2-8854051
Email :
dhaka@mofa.gov.vn;
vietnam@citech-bd.comGiờ địa phương so với giờ Việt Nam: -1 giờ
(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 12/2009)