I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Cộng hoà Xinh-ga-po (Republic of Singapore)
2. Vị trí địa lý: Nằm ở cực Nam Bán đảo Mã Lai, phía Bắc giáp Ma-lai-xi-a, Đông – Nam giáp In-đô-nê-xia, nằm giáp eo biển Ma-lắc-ca, trên đường từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.
3. Diện tích: 692,7 km2, gồm 64 đảo, 1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ.
4. Khí hậu: nhiệt đới, nóng, độ ẩm cao và lượng mưa nhiều do vị trí của đảo nằm ngoài hải dương và gần đường xích đạo. Nhiệt độ trung bình: 26,70C; độ ẩm trung bình: 84,4%, lượng mưa trung bình trong năm: 2,359 mm.
5. Dân số: 4,83 triệu (tính đến hết năm 2008).
6. Tôn giáo: Đạo Phật (43%), Đạo Hồi (15%), Cơ đốc giáo (15%), Đạo giáo (8,5%) và Đạo Hinđu (4%).
7. Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil (Nam Ấn Độ), trong đó tiếng Mã được coi là quốc ngữ.
8. Đơn vị tiền tệ: Đô la Xinh-ga-po (S$).
9. Ngày quốc khánh: 9/8/1965.
10. Thể chế chính trị:
+ Đứng đầu Nhà nước: Tổng thống.
+ Đứng đầu Chính phủ: Thủ tướng.
II. QUAN HỆ NGOẠI GIAO, KINH TẾ VỚI VIỆT NAM:
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 01/8/1973
2. Về chính trị:
Tháng 12/1991, lập Đại sứ quán Việt Nam tại Xinh-ga-po và tháng 9/1992, Đại sứ quán Xinh-ga-po tại Hà Nội được thành lập.
Sau khi Việt Nam tham gia Hiệp ước Bali (7/1992) và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN tháng 7/1995, quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất. Xinh-ga-po rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư của Xinh-ga-po ở Đông Nam Á.
Đặc biệt, trong chuyến thăm làm việc Xinh-ga-po của Thủ tướng Phan Văn Khải (3/2004), hai bên đã ký "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21", tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
- Các chuyến thăm Xinh-ga-po của lãnh đạo Việt Nam:
+ Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/1993); Chủ tịch Trần Đức Lương (4/1998); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (11/1991) và (5/1994); Thủ tướng Phan Văn Khải (10/1992, với tư cách Phó Thủ tướng) và thăm làm việc (3/2004); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1995); Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An (12/2003); Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội thảo: “Việt Nam, nơi đến của các nhà đầu tư” ngày 15/3/2001 và dự Chương trình giao lưu Lý Quang Diệu 26-29/7/2004; thăm làm việc và ký kết Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Xinh-ga-po (5 – 7/12/2005); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (2/1995); Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê (3/1995); Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà (2 – 4/4/2004); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (4/2000 – 1/2004); Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh (29/3 – 31/3/2005); Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (24 – 26/4/2007); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (13 - 14/8/2007); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (11/2007); Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm làm việc Xinh-ga-po (11-13/3/2008); Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an thăm chính thức (3/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm chính thức kết hợp dự Khai mạc Lễ hội Việt Nam tại Xinh-ga-po (20-21/5/2008); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (4/2009); Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dự Hội nghị Shang-ri La tại Xinh-ga-po (tháng 6/2009); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm chính thức Xinh-ga-po (29/7 – 1/8/2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp Nhà nước kết hợp dự HNCC APEC 17 tại Xinh-ga-po (16-17/11/2009).
- Các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Xinh-ga-po:
+ Tổng thống S R Na-than (2/2001); Thủ tướng Gô Chốc Tông (3/1994; 12/1998 và thăm làm việc 3/2003); Thủ tướng Lý Hiển Long thăm Việt Nam với tư cách Phó Thủ tướng (4/2000), dự Hội nghị ASEM 5 (10/2004), thăm chính thức (6-7/12/2004), dự lễ kỷ niệm 10 năm VSIP (9/2006), dự Hội nghị APEC 14 (11/2006); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Tô-ni Tân (11/1996); Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ông Can Xinh (4-7/12/2006); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia và Bộ trưởng luật pháp S. Giay-a-cu-ma (16 - 18/8/2007); Bộ trưởng cao cấp Lý Quang Diệu (4/1992, 11/1993, 3/1995 , 11/1997, 1/2007 và 4/2009); Bộ trưởng Ngoại giao Ông Can Xinh (10/1992); Bộ trưởng Ngoại giao S. Giay-a-cu-ma (8/1996 và 11/2001); Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền (12/2003 và 9/2007); Chủ tịch Quốc Hội Ap-đu-la Ta-mu-di (19-21/7/2004); Trung tướng I-at Chung, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Xinh-ga-po (18–21/4/2005); Bộ trưởng Giáo dục Xinh-ga-po (9/2007); Bộ trưởng Cao cấp Gô Chốc Tông (10 - 15/12/2007); Tổng thống S R Nathan (2/2008); Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu (4/2009); Bộ trưởng Ngoại giao Gióc I-ô (5/2009); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền (9/2009).
3. Về hợp tác cụ thể:
- Quan hệ thương mại - đầu tư: Từ 1996 đến nay, Xinh-ga-po luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch hai chiều năm 2000 đạt 3,25 tỷ; năm 2001 đạt hơn 3 tỷ; năm 2002 đạt 3,2 tỷ; năm 2003 đạt 3,9 tỷ USD; năm 2004 đạt 4,9 tỷ USD; năm 2005 đạt 6,4 tỷ USD; năm 2006 đạt 7,7 tỷ USD; năm 2007 đạt 9,8 tỷ USD; năm 2008 đạt hơn 12 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế, thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD. Ta nhập của Xinh-ga-po chủ yếu là: xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu, kim loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, hóa chất… và chủ yếu xuất sang Xinh-ga-po: dầu thô, hải sản, cà phê, sản phẩm điện tử…
+ Từ 1998 đến nay, đầu tư trực tiếp của Xinh-ga-po vào Việt Nam liên tục tăng. Tính đến tháng 10/2009, Xinh-ga-po có 758 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với số vốn đăng ký khoảng 17 tỷ USD (vốn thực hiện 5,4 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 35,2%). Vốn đầu tư của Xinh-ga-po trải đều trong nhiều lĩnh vực: khu công nghiệp, các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng, công nghiệp xây dựng, bất động sản... Nhìn chung, các dự án đầu tư của Xinh-ga-po hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
+ Khu công nghiệp Việt Nam – Xinh-ga-po (VSIP) là một trong những khu công nghiệp thành công và hiệu quả nhất Việt Nam. Hai cổ đông chính là SembCorp phía Xinh-ga-po và Becamex phía Việt Nam cùng hợp tác điều hành Khu công nghiệp. Sau hơn 11 năm phát triển, dự án VSIP tại tỉnh Bình Dương đã mở rộng diện tích ban đầu từ 500 hecta lên 845 hecta và thu hút thành công hơn 347 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong chuyến thăm Việt Nam (12/2007), Bộ trưởng Cao cấp Gô Chốc Tông đã tham dự Lễ Khởi công Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ tại Bắc Ninh (rộng 700 hecta). Đây là VSIP đầu tiên tại miền Bắc và là dự án thứ ba tại Việt Nam (tiếp theo VSIP 1 và 2 tại tỉnh Bình Dương). VSIP 4 tại Hải Phòng (diện tích khoảng 1.500 hecta) được động thổ trong đầu năm 2010.
- Quan hệ giáo dục và văn hoá ngày càng được tăng cường và mở rộng. Xinh-ga-po tích cực giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, phát triển nhân lực, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực Xinh-ga-po có thế mạnh như tài chính, du lịch, ngân hàng, hoạch định chính sách trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
+ Từ năm 2000, hàng năm Xinh-ga-po cung cấp cho ta khoảng từ 150 - 200 học bổng các loại (dài hạn, ngắn hạn) về đào tạo tiếng Anh, chuyên ngành trong khuôn khổ song phương và ASEAN với nước thứ ba. Ngoài ra, số đi học tự túc tại Xinh-ga-po cũng ngày càng tăng. Ước tính đến năm 2009 có khoảng 7.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Xinh-ga-po. Thông qua Quỹ hỗ trợ Đông Dương (10 triệu USD) trong đó phần lớn dành cho Việt Nam, Xinh-ga-po đã tích cực giúp Việt Nam đào tạo quản lý và tiếng Anh.
+ Ngay sau khi ký Hiệp định Kết nối Việt Nam-Xinh-ga-po, số lượng học bổng Chính phủ Xinh-ga-po dành cho học sinh phổ thông Việt Nam đã được nâng lên 25 học bổng/năm dựa vào kết quả kiểm tra của học sinh. Ngoài ra, Bạn còn cấp mỗi năm 15 học bổng đại học. Nhiều hình thức hợp tác đã được triển khai như: chương trình kết nghĩa các trường học, học bổng học tập, đào tạo ngôn ngữ, trại hè học sinh, trao đổi giáo viên, học sinh, hội thảo...
+ Tháng 28/11/2001, Trung tâm Đào tạo Việt Nam – Xinh-ga-po (VSTC) được thành lập theo sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) của Thủ tướng Gô Chốc Tông và do Chính phủ Xinh-ga-po tài trợ kinh phí. Mục tiêu của IAI là hỗ trợ đào tạo về nhân sự cho các thành viên mới của ASEAN để giúp họ hội nhập với ASEAN. Từ khi thành lập, VSTC đã tổ chức đào tạo cho hơn 2.500 cán bộ Việt Nam về nhiều lĩnh vực: tiếng Anh, thương mại, du lịch, tài chính, hành chính công, WTO và luật pháp quốc tế…, trong đó có 20 giáo viên tiếng Anh.
+ Tháng 4/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sang thăm Xinh-ga-po ký Bản Ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Xinh-ga-po về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (25/4/2007). Cũng trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ trên, Học viện Giáo dục Quốc gia Xinh-ga-po (NIE) và Học viện Quản lý Giáo dục Xinh-ga-po đã ký kết thoả thuận thành lập một Trung tâm Đào tạo chất lượng cao tại Học viện Quản lý Giáo dục nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên của Việt Nam. Trung tâm này đã được khai trương tháng 3/2008 nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Giáo dục Xinh-ga-po. Tính đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 150 nhà lãnh đạo và 330 giáo viên theo hình thức hợp tác đào tạo tại Trung tâm ở Việt Nam và tại Học viện Giáo dục Quốc gia Xinh-ga-po, bằng nguồn kinh phí do Quỹ Temasek tài trợ.
+ Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Ngoại giao, từ tháng 5 – 8/2008, Hội đồng Di sản Quốc gia Xinh-ga-po đã tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Xinh-ga-po, bao gồm nhiều hoạt động văn hoá như: triển lãm trưng bày các hiện vật về nền văn minh Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; đặt Bảng đồng kỷ niệm Bác Hồ đến Xinh-ga-po 75 năm trước; triển lãm hội họa, tem và áp phích phim Việt Nam; chiếu phim Việt Nam và tổ chức Lễ hội ẩm thực Việt Nam.
- Hợp tác về pháp luật và tư pháp: Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã thăm Xinh-ga-po tháng 3/2008 và chứng kiến hai Bộ trưởng Tư pháp ký MOU về hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước.
- Về du lịch : Hai phía phối hợp tổ chức các buổi tiếp xúc giữa các lữ hành lớn, đón khách du lịch tàu biển của Việt Nam với hiệp hội hãng tàu biển, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tàu biển của Xinh-ga-po nhằm phát triển hình thức du lịch tàu biển. Ngoài ra, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức, trao đổi các đoàn cho các hãng lữ hành lớn, báo chí có uy tín của hai nước để tìm hiểu, tuyên truyền và quảng bá cho du lịch của Xinh-ga-po và Việt Nam, xem xét tăng cường quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả hai nước.
- Về y tế, Bộ trưởng Y tế Việt Nam thăm chính thức Xinh-ga-po (tháng 9/2008) nhằm thảo luận việc phát triển hệ thống y tế, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... Tổng Công ty Sản xuất – nhập khẩu Bình Dương và Tập đoàn Y tế Quốc tế Thomson International Health Service đang hợp tác xây dựng Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quốc tế Hạnh phúc tại tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên và chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư ban đầu của bệnh viện lên đến 28 triệu USD.
- Về an ninh, quốc phòng: Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng Quốc phòng, An ninh và một số đoàn cấp Lãnh đạo các lực lượng vũ trang và an ninh: Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an thăm chính thức Xinh-ga-po (3/2008); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Trung Kiên đã tham dự Đối thoại Shangrila lần thứ 7 tại Xinh-ga-po (từ 30/5-1/6/2008), Bộ trưởng Quốc phòng Xinh-ga-po Tiêu Chí Hiền thăm Việt Nam (12/2003 và 9/2007); Trung Tướng Dexmon Kuech, Tư lệnh lực lượng quốc phòng Xinh-ga-po thăm chính thức Việt Nam từ 2-4/4/2008, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tham dự Hội nghị Shangri La lần thứ 8 tại Xinh-ga-po (tháng 6/2009). Hai bên đã ký MOU hợp tác quốc phòng nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền trong tháng 9/2009.
4. Các Hiệp định, Thoả thuận đã ký:
- Hiệp định hàng hải thương mại (16/4/1992); Hiệp định về vận chuyển hàng không (20/4/1992); Hiệp định thương mại (24/9/1992); Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (29/10/1992); Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường (14/5/1993); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (02/3/1994); Hiệp định hợp tác về du lịch (26/8/1994); Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam – Xinh-ga-po trong thế kỷ 21 (08/3/2004); Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Xinh-ga-po (6/12/2005); Bản Ghi nhớ hợp tác giáo dục và đào tạo (25/4/2007); Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật (3/2008); MOU hợp tác quốc phòng (9/2009).
- Ngoài ra còn có một số thoả thuận hợp tác trên một số lĩnh vực như: thanh niên (3/1995), báo chí (1/1996), văn hoá thông tin (4/1998), cung cấp tín dụng (3/2004), tiếp vận hàng hoá (3/2004), sửa chữa tầu thuỷ (3/2004), phần mềm điện thoại di động (3/2004) và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (3/2004). Hai nước đã ký kết MOU về thành lập Trung tâm đào tạo Việt Nam – Xinh-ga-po tại Hà Nội (VSTC) (tháng 11/2001), Bản ghi nhớ về hợp tác, xúc tiến đầu tư (16/10/2003).
5. Địa chỉ đại sứ quán:
Đại sứ quán Xinh-ga-po tại Việt Nam
Địa chỉ: 41-43 Trần Phú, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 84-04-38489168
Fax: 84-04-38489178
Email:
singemb_han@sgmfa.gov.sgWebsite:
www.mfa.gov.sgĐại sứ quán Việt Nam tại Xinh-ga-po:
Địa chỉ: 10 Leedon Park, Singapore 267887
Điện thoại: +65-64625938/+65-81636960
Fax: +65-64689863/64625936
Email:
vnemb.sg@mofa.gov.vn;
vnemb@singnet.com.sg Giờ địa phương so với Việt Nam: + 1giờ
(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 12/2009)