Quên mật khẩu

Đăng ký


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1NHẬT BẢN   Empty NHẬT BẢN 16/8/2012, 12:29


NHẬT BẢN   Japan-1


I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Nhật Bản (Japan)
2. Thủ đô: Tokyo
3. Dân số: 127,3 triệu (01/4/2010) (Số liệu Tổng cụcThống kê và Bộ Y tế Nhật Bản)
4. Đơn vị tiền tệ: Yên
5. Thể chế: Theo Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản theo thể chế quân chủ lập hiến, trong đó: Nhà Vua là Nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại. Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập.
II. QUAN HỆ NGOẠI GIAO, KINH TẾ VỚI VIỆT NAM:
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 21/9/1973
- Sau năm 1975, hai bên trao đổi Đại sứ quán;
- Năm 1992, Nhật Bản mở lại viện trợ cho Việt Nam. Từ đó đến nay, các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hoá… được mở rộng; sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước từng bước được tăng lên.
2. Về chính trị:
- Hàng năm, hai nước đều có các cuộc gặp cấp cao. Lãnh đạo Nhật Bản thăm Việt Nam: có các Thủ tướng: Murayama (8/1994), Hashimoto (1/1997), Obuchi (12/1998), Koizumi (4/2002). Tháng 10/2004,Thủ tướng Koizumi dự Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội, Thủ tướng Abe thăm Việt Nam dự Cấp cao APEC (11/2006). Hoàng tử Nhật Bản Akishino thăm Việt Nam (6/1999), Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito (2/2009).
Lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản: Tổng Bí thư Đỗ Mười (năm 1995), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (10/2002), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (4/1993), Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức năm 1999 và sau đó thăm làm việc 2001, 4/2003, 12/2003, 6/2004 và ghé thăm tháng 7/2005. Tháng 10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản; thăm và làm việc 5/2009, 11/2009. Tháng 11/2007, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt-Nhật, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Nhật Bản cấp Nhà nước. Tháng 3/2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Nhật Bản. Tháng 9/2008, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật Hồ Đức Việt thăm Nhật Bản, tham dự "Tuần lễ Việt Nam 2008 tại Nhật Bản". Tháng 4/2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Nhật Bản.
- Năm 2002, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí xây dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7/2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”. Tháng 10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản mở ra một giai đoạn mới “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Tiếp đó, trong chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước 11/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Yasuo Fukuda ký Tuyên bố chung “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản 4/2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro nhất trí ra "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á".
- Hai bên đã trao đổi Tuỳ viên quân sự, mở Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (3/1997) và Fukuoka (tháng 4/2009). Tháng 5/2007, hai bên thành lập Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch, đến nay đã họp 3 phiên (5/2007 và 1/2010 tại Tokyo; 7/2008 tại Hà Nội).
- Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới (APEC, WTO, ASEM, ARF, vận động OEDC giúp Việt Nam về kỹ thuật...); Hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có Liên Hợp Quốc (LHQ).
3. Quan hệ kinh tế:
Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
- Mậu dịch: Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là thuỷ sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, than đá, đồ gỗ… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; vải các loại; linh kiện ôtô; nguyên liệu dệt, da…
Kim ngạch mậu dịch Việt Nam - Nhật Bản
(Đơn vị: tỷ USD)
NHẬT BẢN   3babad561b6564e574c6da61bc152c9f_48191650.nb


- Về thương mại: Quý I/2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt 3,52 tỷ USD. Năm 2008, đạt 16,78 tỷ USD (vượt mục tiêu đạt 15 tỷ vào năm 2010 nêu trong Tuyên bố chung Việt-Nhật (10/2006); năm 2009 giảm xuống mức 13,76 tỷ USD do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới (Số liệu: Tổng cục Hải quan Việt Nam).
- Về Đầu tư trực tiếp FDI Nhật Bản vào Việt Nam, tính đến 20/4/2010, Nhật Bản có 1.211 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 19,34 tỷ USD, đứng thứ 3/84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, sau Đài Loan, Hàn Quốc. Riêng năm 2010, tính đến ngày 20/5/2010, có 34 dự án mới với tổng số vốn 1,1 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Hà Lan, Hàn Quốc trong số 36 quốc gia (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ KH&ĐT).
- Từ tháng 6/2008, hai bên đã bắt đầu thực hiện giai đoạn III Sáng kiến chung Việt - Nhật nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hỗ trợ thúc đẩy tam giác phát triển và hành lang Đông - Tây cũng như hợp tác trong GMS, nghiên cứu giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...
- Viện trợ phát triển chính thức ODA: Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã cam kết khoảng 16 tỷ USD ODA cho Việt Nam, trong đó tài khóa 2009 (khoản vay Yên) đạt 145,613 tỷ Yên cao nhất từ trước đến nay, tỷ lệ giải ngân: 13,8%.
Hai nước đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) ngày 25/12/2008, có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật-ASEAN, VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Hai bên lập Diễn đàn trao đổi thông tin về quy chế kinh tế thị trường tại Việt Nam, đã họp lần đầu tiên nhân cuộc họp Uỷ ban Hợp tác Việt-Nhật lần thứ 3 tại Tokyo (1/2010).
Viện trợ phát triển chính thức ODA của Nhật Bản cho Việt Nam
Đơn vị: Tỷ Yên
NHẬT BẢN   3693c28e0d3575670c481498d65828e0_48191673.nb


4. Về hợp tác lao động:
Nhật Bản là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 31.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Năm 2004, Việt Nam đã lập Văn phòng quản lý lao động tại Tokyo. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, số lượng tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chỉ đạt khoảng 6.150 người (giảm 7,8% so với năm 2008).
5. Về văn hoá - giáo dục:
- Về văn hoá thông tin: Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Hai bên đã lập Ủy ban chuyên gia Việt-Nhật về bảo tồn Hoàng thành Thăng Long và họp phiên đầu tiên (3/2007). Hai bên cũng đã cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức Lễ hội tại mỗi nước. Nhật Bản đã thành lậpTrung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (3/2008).
- Về giáo dục đào tạo: Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức: hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (3/2008), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1000 tiến sỹ cho Việt Nam đến năm 2020 và tiếp tục tăng học bổng cho Việt Nam trong 3 năm tới.
- Việt Nam cũng đã mời nhiều giáo sư, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, tiếp nhận các học giả Nhật Bản sang tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Với sự trợ giúp của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đang thí điểm dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Huế và Đà Nẵng. Nhật Bản đang triển khai kế hoạch mời 2.000 thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản trong 5 năm, theo nhiều chương trình trong đó bao gồm cả chương trình dành cho học sinh cấp 2 và cấp 3.
6. Về du lịch:
- Nhật Bản luôn nằm trong số 5 nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam, chiếm gần 10% tổng lượng khách vào Việt Nam. Hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt - Nhật (4/2005) tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lượng khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam đạt 359.231 lượt khách (giảm 8,6% so với năm 2008).
- Từ tháng 1/1/2004, Việt Nam đã chính thức miễn thị thực cho người Nhật Bản đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và từ 1/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản. Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ 1/5/2005.
Các Hiệp định đã ký giữa hai nước:
Các Hiệp định vay ODA hàng năm (từ 1992)
Hiệp định Hàng không (5/1994)
Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (9/1995)
Hiệp định hợp tác kỹ thuật (10/1998)
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (12/2004)
Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ (8/2006)
Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật VJEPA (25/12/2008).
Một số thoả thuận khác:
Biên bản về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật (10/1996).
Sáng kiến chung Việt - Nhật về cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam (11/2003), giai đoạn hai (7/2006), giai đoạn 3 (6/2008).
Tuyên bố chung giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao “vươn tới tầm cao mới của mối quan hệ đối tác bền vững” 7/2004.
Tuyên bố chung về hợp tác IT Việt Nam-Nhật Bản (6/2004).
Thoả thuận hợp tác giữa Học viện quan hệ quốc tế Việt Nam và Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản (2/2005).
Tuyên bố chung hợp tác du lịch giữa Tổng cục Du lịch và Bộ Lãnh thổ, Hạ tầng và Vận tải Nhật Bản 4/2005.
Tuyên bố chung giữa hai Thủ tướng Việt Nam-Nhật Bản “hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” 10/2006.
Bản ghi nhớ về việc thành lập Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản (5/2007).
Tuyên bố chung làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản và Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược được ký nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (11/2007).
Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Kinh tế-Thương mại-Công nghiệp Nhật Bản (METI) (12/2008) .
Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro "Về quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á" (4/2009).
7. Đại sứ quán
Địa chỉ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam:
Địa chỉ: Số 27 đường Liễu Giai – Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-04 - 3846 3000
Fax: 84-04 - 3846 3043
E-mail: soumuhan@vnn.vn
Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh:
Địa chỉ: Ho Chi Minh City 13-17 Nguyen Hue, Dist.1
Điện thoại: 08-38225314
Fax: 08-38225316
Email: ryoujikan@vietnam-japan.net
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản:
Địa chỉ: Tokyo 151-0062, Shibuya-ku, Motoyoyogi-cho 50-11
Điện thoại: +81-3-34663311/13
Fax: +81-3-34667652/12
Email: vnembasy@blue.ocn.ne.jp
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại FUKUOKA-Nhật Bản:
Địa chỉ: 4th Floor, AQUA HAKATA, 5-3-8 Nakasu,
Hakata-ku, Fukuoka, JAPAN 810-08
Điện thoại: +81-922637668/ +81-922637669/+81-8033759789
Fax: +81-922637676
Email: tlsqvn-fukuoka@shirt.ocn.ne.jp
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ô-xa-ca (Nhật Bản):
Địa chỉ: 4-2-15 Ichinocho Higashi, Sakai-ku,
Sakai-shi, Osaka 590-0952, JAPAN
Điện thoại: +81-72-2216666 ; +81-72-2216603
Fax: : +81-72-2246887 ;: +81-72-2216667; +81-72-2216608
Email: tlsqvn.osaka@mofa.gov.vn
Giờ địa phương so với Việt Nam: +2 giờ

(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 6/2010)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết