Dân xã Địch Vĩ kính cẩn gọi đàn chó đá là Quan lớn Hoàng Thạch. Mỗi khi có việc gì oan khuất, người dân thường đến trước bệ thờ Quan lớn Hoàng Thạch thắp nhang, kêu khấn và thề với nhau với niềm tin được ngài chứng giám, soi xét cho. Trong ký ức tôi còn nhớ một câu chuyện cổ tích Việt Nam nói về chó đá mà thầy giáo dạy tiểu học kể cho chúng tôi nghe: Ngày xưa, có người học trò vào nhà thầy giáo, khi qua cửa thì con chó đá nhỏm dậy tỏ vẻ mừng rỡ. Lấy làm lạ, người học trò hỏi: "Anh em học trò qua đây cũng đông, sao mày chỉ mừng một mình tao?". Con chó đáp: "Khoa thi này chỉ có mình thầy đậu thôi. Số trời đã định, tôi phải kính trọng mừng thầy".
Người học trò nghe nói vậy liền kể cho cha mẹ nghe. Từ đó, người cha lên mặt hống hách. Ông ta dắt trâu ra đồng, cho trâu dẫm cả vào lúa non của người khác. Người dân góp ý, ông ta dọa dẫm: "Khoa này con ông đỗ, rồi chúng mày sẽ biết tay ông". Dân làng nghe ông nói vậy, cũng có lòng sợ, không dám lôi thôi.
Nhưng những ngày sau, người học trò đi qua, không thấy chó đá nhỏm dậy vẫy đuôi mừng. Người học trò hỏi: "Mọi buổi tao qua đây, mày vẫn đứng dậy mừng, hôm nay sao mày không đứng dậy nữa?". Con chó đá nói: "Tại cha thầy lên mặt hách dịch với dân làng nên Thiên Tào đã gạch tên thầy đi, khoa này thầy không đỗ được nên tôi không phải mừng thầy nữa". Người học trò đem chuyện kể lại với cha, người cha lấy làm hối hận, rồi từ đó không những không lên mặt hống hách mà còn xin lỗi những người mà mình đã xúc phạm.
Khoa ấy, người học trò dù đã lọt qua mấy kỳ nhưng không đỗ thật. Tuy vậy, người học trò cũng không lấy làm nản, càng chăm chỉ học hành. Người cha cũng không lấy làm oán hận, càng tu thân tích đức để chuộc lỗi.
Ba năm sau, người học trò đi qua chỗ con chó đá, lại thấy nó đứng dậy mừng rỡ như trước. Con chó đá bảo: "Nhà thầy tu nhân tích đức đã ba năm nay, đủ chuộc lại những lỗi lầm trước rồi nên sổ Thiên Tào lại định cho thầy khoa này thi đỗ". Người học trò mừng thầm nhưng không nói cho cha mẹ nghe nữa, chỉ biết ra sức cố học. Khoa ấy quả nhiên thi đỗ cao.
Qua câu chuyện cổ tích này có thể nói, tục "nuôi" chó đá đã có từ rất lâu và sâu đậm trong văn hóa người Việt. Các bậc cao niên ở một số vùng quê Bắc Bộ khẳng định rằng tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức: Chôn chó đá trước cổng nhà như là linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc và đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, thờ phụng.
Không chỉ ở các vùng nông thôn mà ở ngay Hà Nội, khoảng thời gian sau 1954, những người già còn kể rằng, ở mé nam ngã tư Trung Hiền có một con chó đá khá lớn, do đó mà có tên cửa ô Chó Đá. Nhưng bây giờ thì chó đá cũng không còn, mà cái tên cửa ô Chó Đá cũng chỉ còn trong ký ức của số ít người.
Ở đền Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây) hiện vẫn còn một đôi chó đá với vai trò canh giữ.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Dư địa chí, khi chép về trấn Thanh Hóa có ghi rõ: "Cửa nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng".
Đại Việt sử ký toàn thư và sách Tây Hồ chí, khi chép về việc trồng muỗm ở đời Trần trên đê sông Hồng, đoạn ở kinh thành cũng đều có nói đến miếu Chó Thần. Còn việc dân chúng chôn chó đá trước nhà mình thì hiện vẫn còn rải rác ở một số nơi.
Về việc thờ chó đá như một vị thần linh thì hiện có hai nơi ở Đan Phượng, Hà Nội.
Trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng) có một bệ thờ chó đá đặt ở ngoài vườn. Trên bệ thờ, trước mặt chó đá có đặt bát hương. Theo cụ thủ từ và một số người già trong làng thì chó đá vốn xưa ngự trên gò cao, cách đình vài trăm mét, dưới hai cây gạo to. Sau gò lở, hai cây gạo đổ, dân làng rước "ngài Hoàng Thạch" (chó đá) về bên cạnh đình cho tiện việc hương khói. Các cụ còn cho biết, chó đá ở đây được gọi là Quan Hoàng hoặc Quan Hoàng Ba. Ngày mùng một và ngày rằm đều thắp hương cúng bái.
Ở cạnh quần thể di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình (Đan Phượng) cũng có một bệ thờ chó đá. Chó đá ở đây là cả một nhóm được đẽo bằng đá xanh. Ngồi giữa là chó lớn, cao 1,4m, quây quần hai bên là đàn chó nhỏ gồm 16 con kích cỡ khác nhau, rất sinh động. Nhóm chó đá này "ngồi" bệ vệ trên một bệ thờ xây bằng gạch, rộng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao, ở giữa là táp môn trang trí khá đẹp. Trước mặt chó lớn đặt một bát hương rất to.
Dân xã Địch Vĩ kính cẩn gọi đàn chó đá là Quan lớn Hoàng Thạch. Và Quan lớn Hoàng Thạch hiện có bàn thờ đặt bên tả hồi trong đại đình. Điều thú vị là bà Nguyễn Thị Thu, nguyên Chủ tịch UBND xã Phương Đình kể: Mỗi khi có việc gì oan khuất, người dân thường đến trước bệ thờ Quan lớn Hoàng Thạch thắp nhang, kêu khấn và thề với nhau với niềm tin được ngài chứng giám, soi xét cho. Khi đến thề, ngoài lễ vật là gà, lợn, vàng hương, người ta còn tỏ thái độ quyết liệt bằng cách mang khúc cây chuối hoặc chồng bát đến, để khi "thề độc" xong thì đập tan chồng bát hoặc chém ngang cây chuối với ý sẵn sàng chịu tội chết nếu man trá...
Rồi tài liệu thần tích Ngọc phả cổ lục cũng cho biết rằng, bà mẹ vua Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn. Khi vua Lý Công Uẩn xuất hiện, con chó bằng đồng đã sủa inh ỏi, rồi vua Lý Công Uẩn lại sinh năm Tuất...
Chính vì cuộc đời huyền thoại của vị vua này luôn luôn liên quan đến Thần Chó mà khi định đô ở Thăng Long, việc lập miếu thờ chó (Thần Cẩu Mẫu, Thần Cẩu Nhi) để canh giữ, bảo vệ kinh thành là những giả thiết rất phù hợp với quy luật lịch sử, bối cảnh văn hóa nước ta.
Bên cạnh huyền sử Lý Công Uẩn, chúng ta còn có lai lịch di tích đền Cẩu Nhi qua sách Tây Hồ chí. Sách này cho biết, miếu thờ thần Cẩu Nhi vốn nằm ở góc Tây Bắc hồ trên bến Châu. Nơi đây đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu. Như vậy, có thể nói, trong văn hóa người Việt, việc thờ chó đá là có thực, tuy có rất ít tài liệu ghi chép lại.Để kết thúc bài viết, tôi xin trích một đoạn hồi ký thú vị về chó đá của nhà văn Tô Hoài: Chẳng biết từ bao giờ, ở chỗ đường cái vào, áp vách đầu nhà tôi, có con chó đá... Đây là con chó đá canh cổng, nhiều nhà có. Chó đá canh cổng trông quen mắt như cái bình vôi treo ở đám rễ si, rễ đa. Chỉ khác con chó đá nhà tôi bé tí teo, còn bên cổng đình, cổng chùa thì con chó đá lừng lững cao to bằng chó thật. Chân trước đứng, hai chân sau ngồi trên bệ như sắp nhổm lên sủa người lạ vào nhà. Ở chỗ thờ cúng, thế mà trẻ con nghịch ngợm thi nhau xoa đầu chó, rồi doạng chân ra cưỡi chó. Chúng nó chẳng biết con chó đá là thần canh cửa nơi miếu mạo và cổng ngõ nhà có của. Bắt chước nhau, lắm nhà méo mặt chạy ăn từng bữa cũng đẽo con chó đá đem về chôn bên cổng. Ý chừng ao ước rồi cũng có ngày biết mặt đồng tiền, nên rước sẵn chó đá về ngồi ấm chỗ canh cửa, đón tài, đón lộc... Mỗi chiều rằm, mùng một, bà tôi lấy chiếc bát đàn múc trong vại bên gốc cau ra bát nước mưa, một lá trầu không quệt sẵn vôi và miếng cau khô, một nén hương, đem đặt trước mõm chó đá. Bà chắp tay, khấn lâm râm rồi vái mấy vái. Cũng con chó đá bên cổng xây nhà ông Bá giữa xóm thì tuần rằm được hai nén hương, một miếng thịt lợn sống đặt giữa cái đĩa sứ, một cút rượu mở sẵn nút. Nhà có, nhà nghèo đều khói hương những ngày Tết nhất mời ông thần khuyển về "thượng hưởng"...