Có thể nói, đây là một phát hiện độc đáo với ngành khảo cổ, nhưng có vẻ như ít được quan tâm. PV đã mang những bức ảnh chụp chi tiết bích họa đến gặp một số nhà khảo cổ, nhưng rồi sự việc chìm vào quên lãng.
Sự phát hiện những bích họa này, bắt đầu từ lần tôi tham quan chùa Bái Đính, khi ngôi chùa còn là công trường ngổn ngang. Anh bạn đồng nghiệp ở Ninh Bình đã tặng một bản thảo nghiên cứu về hang động rất có giá trị.
Mái đá Cửa Chùa ở khu ngập nước Vân Long, nơi có bích họa bí ẩn.Đề tài nghiên cứu đó là của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, có tên: “Báo cáo kết quả nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp khai thác tiềm năng hang động Karst phục vụ phát triển du lịch khu vực Tam Điệp - Yên Mô - Kênh Gà - Vân Trình - Vân Long, tỉnh Ninh Bình, 2006”.
Tập tài liệu đó có vài dòng ngắn ngủi đại loại thế này: “Tại dãy núi có hang Thúi Thó, có một vách đá xuất hiện những hình vẽ cổ, kỳ lạ, như những bức bích họa”.
Đọc được dòng chữ này, tôi đã vô cùng sung sướng, bởi ở nước ta, chưa từng phát hiện bích họa nào cả. Trong khi đó, ở nước bạn phương Bắc, những nhai bích họa đã nổi tiếng toàn cầu.
Hình vẽ một người bí ẩn ở trung tâm bích họa.Quả thực, tôi không hiểu nổi, một phát hiện đáng giá như thế, được phát hiện từ năm 2006, mà chưa được nghiên cứu, chưa được công bố, thậm chí, các nhà khoa học, khảo cổ ở trung ương cũng chẳng biết đến.
Đứng ở khu ngập nước Vân Long, nơi có đàn voọc mông trắng (gọi vui là voọc mặc quần đùi), với những dãy đá vôi ngút ngát, làm sao có thể biết chỗ nào có bích họa ẩn trong bãi đá. May mắn, qua giới thiệu của ông Quang, là cán bộ quản lý khu Vân Long, tôi và nhà báo Lê Quân đã được anh Nhàn, cư dân của vùng đất này chèo thuyền chở đi tìm bích họa.
Chữ viết bí ẩnXuyên qua đầm sen bung nở tuyệt đẹp, thì đến vách đá. Chúng tôi nhìn mãi chẳng thấy bích họa đâu. Anh Nhàn ngắt lá sen, vục nước, rồi hắt lên vách đá trắng xóa. Từ vách đá sần sùi, trắng bệch đó, hiện lên những vệt đỏ ối. Khi anh Nhàn hắt nước kín vách đá, thì toàn bộ bích họa hiện ra.
Trung tâm của bích họa là một người đàn ông có khuôn mặt tròn xoe, hai mắt như hai hòn bi, đôi tai lớn và mái tóc trông như ngọn lửa đang cháy. Nhìn toàn bộ khuôn mặt, thì có thể thấy người vẽ muốn biểu đạt đây là người kỳ quái, hung tợn.
Lạ nhất là phần khắc họa bụng. Những nét vẽ ở bụng như kiểu giải phẫu, với xương sườn và nội tạng. Tuy nhiên, vì nét vẽ không chi tiết, rõ ràng, nên cũng có thể hiểu đó là áo giáp.
Hình người?Riêng hình vẽ phần chân thì mang tính cách điệu nhiều hơn là tả thực. Đôi chân khá nhỏ, đứng trong tư thế… xiêu vẹo. Bàn chân thì không có, nhưng các ngón chân thì dài và ngoằn ngoèo như rễ cây.
Hai tay người đàn ông này cầm hai thứ vũ khí khác nhau. Tay phải cầm quả chùy cán dài, tay trái cầm thanh đao và giương ra hai bên như thể đe dọa. Xét về mặt tổng thể, có thể tưởng tượng đây là một chiến binh.
Xung quanh người đàn ông hung tợn ấy có hàng loạt hình vẽ người khác nữa. Các hình vẽ đều nhỏ hơn người đàn ông ở trung tâm. Có hình cầu kỳ với đầy đủ tay chân, đầu tóc, vũ khí, song có hình rất đơn giản, chỉ gồm cái đầu tròn xoe và thân hình bầu, thêm cái tay nữa.
Hình vẽ đơn giản.Phổ biến nhất có lẽ là hình người, gồm cả trai lẫn gái nhảy múa bên nhau, rồi hình người tay cầm dao kiếm.
Lạ nhất là một khu vực dày đặc người, nhảy múa có hàng có lối. Phía trên cùng là một người đang ngồi không rõ trên ghế hay ngai vàng. Hình nhìn vẽ này, có thể liên tưởng người ngồi trên ghế là ông chủ, vua chúa, đấng tối cao. Tuy nhiên, người ngồi trên ghế lại giống một đứa trẻ, đầu đội mũ, miệng cười rất tươi.
Nhìn những hình vẽ này, tôi thấy nhiều sắc thái biểu cảm, nhiều khung cảnh, trường đoạn cuộc sống hiện lên. Tôi đã mường tượng đến hình ảnh về chiến tranh, về đời sống thường nhật, về các lễ hội…
Ngoài hình người, thì còn xuất hiện một số ký tự. Một số chữ giống chữ Nho, song có chữ như thể tượng hình tả một con vật nào đó.
Hình cậu bé ngồi trên ghế cười tươi.Tôi cứ vục nước té lên khắp mái đá, để rồi ngắm nhìn không chán mắt những bích họa ma quái, kỳ lạ, lúc ẩn, lúc hiện trên vách đá.
Điền đã ở địa phương, thì tôi thu thập được một số huyền thoại mang màu sắc hư nhiều hơn thực về những hình vẽ này từ các cụ già.
Nhiều người tin rằng, đây là hình vẽ của ma quỷ. Chuyện này bắt nguồn từ việc có một người bỏ làng vào vách đá này sinh sống. Thế nhưng, đêm ngủ, ông ta toàn mơ thấy những hình vẽ màu đỏ trên núi nhảy múa, dao kiếm va chạm loảng xoảng. Sợ quá, ông bỏ núi về lại làng.
Hình ảnh nhảy múa.Cũng có lời đồn khác rằng đây là bản đồ kho báu. Các cụ già kể rằng, vào đầu thế kỷ 20, rất nhiều người Trung Quốc tìm đến khu vực này đào bới. Ngày đó, cạnh mái đá có hình vẽ tồn tại một ngôi chùa, nhiều con rùa đá. Nhưng khi những người lạ nọ kéo đi, nhân dân vào dãy núi, thì không còn thấy con rùa đá nào cả.
Người dân tin rằng, thời Bắc thuộc, người phương Bắc đã cướp bóc của cải, nhưng không đem về được, nên chôn giấu ở khu vực này, rồi vẽ bản đồ kho báu lên vách đá. Bản đồ đó chỉ hiện lên khi té nước.
Cũng có một số kiến giải đơn giản hơn, rằng đó chỉ là hình vẽ bọn voọc “mặc quần đùi trắng” ở khu ngập nước Vân Long.
TS. Trình Năng Chung (đứng giữa) đang giải mã bích họa cho các nhà khoa học.Tôi đã mang tất cả ảnh chụp bích họa mái đá ở Vân Long đến một số nhà khảo cổ học, nhưng người quan tâm nhất, sung sướng nhất là TS. Trình Năng Chung (Trưởng phòng Khoa học, Viện Khảo cổ học Việt Nam). TS. Chung đã thốt lên: “Cả đời nghiên cứu khảo cổ, song đây là lần đầu tiên tôi được thấy những nhai bích họa trên đá ở Việt Nam!”.
Quan sát những bức ảnh, TS. Chung mô tả: “Người xưa sử dụng mực màu đỏ, loại màu chủ yếu vẽ trên đá. Vẽ theo phong cách tả thực, rõ hết đầu, tai, mắt, mũi. Tay khuỳnh, chân khuỳnh, người nhảy múa, người cầm chùy, đao, lại có ghế ngồi…”.
TS. Chung (phải) trước vách đá có nhiều nhai bích họa ở Trung Quốc. Ảnh TS. Trình Năng Chung cung cấp.Sau khi phóng to, thu nhỏ những tấm ảnh, mô tả một lượt các bích họa, TS. Chung bảo: “Để biết được những thông điệp từ những bích họa này phải về tận nơi, quan sát tổng thể, có cái nhìn toàn cảnh, mới giải mã được điều người xưa muốn nói”.
Và, sau nhiều lần hẹn hò, rồi lại khất hẹn, vì công việc quá bận, đúng 1 năm sau ngày Báo điện tử VTC News đưa tin, TS. Trình Năng Chung đã quyết tâm để lại nhiều công việc bộn bề, tìm về khu ngập nước Vân Long, để bắt đầu cuộc nghiên cứu những bích họa lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.