Rú Đền từng tập trung 11 ngôi đền lớn, nhỏ, nhưng rồi tất cả đã biến mất trong chớp mắt song song với những câu chuyện lạ kỳ liên tiếp xảy ra..
Xứ Nghệ vốn nổi tiếng với rất nhiều những địa danh linh thiêng từ trong quá khứ lịch sử thời phong kiến cho đến những năm kháng chiến. Trong đó Rú Đền nằm trên một quả đồi thấp ở mảnh đất Đông Sơn, Giang Sơn Đông, Đô Lương được người đời truyền tụng nhau rằng nơi đây rất linh thiêng. Rú Đền từng tập trung 11 ngôi đền lớn, nhỏ, nhưng rồi tất cả đã biến mất trong chớp mắt song song với những câu chuyện lạ kỳ liên tiếp xảy ra...
Nơi quần cư của những ngôi đền thiêng
Ngay lần đầu nghe đến cái tên Rú Đền, mọi người đều có chung cảm nhận được về một nơi linh thiêng, kỳ bí mang đậm vẻ tâm linh. Theo các cụ cao niên ở Đông Sơn, cái tên Rú Đền bắt nguồn từ đặc trưng của một ngọn đồi có sự tập trung hơn chục ngôi đền thiêng san sát nhau. “Rú” là cách gọi của người dân địa phương để chỉ những ngọn đồi thấp, nhiều cây cối, có thể coi nó như một cánh rừng nhỏ.
Đồi Rú Đền rộng khoảng trên 3ha, được bao quanh bởi khe nước uốn lượn, và những bãi đầm lầy, quanh năm không bao giờ cạn. Bà Nguyễn Thị Bình, năm nay đã gần 70 ở Đông Sơn cho chúng tôi biết: “ Tôi được ông bà, bố mẹ kể lại rằng những ngôi đền này ngày trước là do người Tầu lập ra. Những ngôi đền này ít khi thờ cúng một người cụ thể, mà phần nhiều là đền giữ của” .
Nhiều người cao niên ở làng kể lại ở các ngôi đền có hình con chó được đúc ra. Khi người ta đổ nước, nước sẽ chảy ra từ miệng của con chó và đổ xuống đất ở chỗ nào, thì đó là điểm chôn vàng bạc, châu báu của người xưa.
Bà Bình cho chúng tôi biết thêm: “Ngày trước, Rú Đền chỉ toàn là đền thôi, không có một ngôi nhà dân nào cả. Cảnh vật hoang sơ lắm. Ngày đấy, chúng tôi đi học vỡ lòng thường vào ban đêm, qua Rú Đền, chỉ thấy trong các ngôi đền, hương và đèn dầu sáng trưng cả một dãy dài. Sợ lắm, cả đoàn chỉ biết co chân mà chạy”
Ông Nguyễn Văn Giáp, 75 tuổi, một người rất am hiểu và đã gắn bó gần trọn cuộc đời với ngôi làng Đông Sơn cho biết: “Khu vực Rú Đền trước kia có tổng cộng 11 ngôi đền. Trong số đó có 7 đền được người dân chuyển từ cánh đồng Lối Riềng, cách đó tầm 600 mét về”.
Cũng theo ông Giáp, khu vực Lối Riềng có địa thế khá bằng phẳng, lại là nơi quần cư của khá nhiều ngôi đền cổ, mộ cổ. Thời phong kiến người dân khai khẩn đất hoang, nhận ra địa thế của khu vực này có thể trở thành một cánh đồng trồng lúa, ngô. Vì thế mà người ta đã quyết định chuyển những ngôi đền tại đây về khu vực Rú Đền.
11 ngôi đền quần cư tại khu vực Rú Đền, trong số ấy có một ngôi đền lớn nhất, được gọi là đền Cả (hay đền Ông Cả), 10 ngôi còn lại nhỏ hơn.
Các ngôi đền nhỏ đều có dạng hình ô vuông, cao tầm 2 mét, được làm bằng gỗ lim và gỗ mít, phía trên lợp ngói, được chia làm hai phần, tương tự như kiểu nhà sàn. Phần dưới chỉ có bốn cột để chống đỡ. Phía trên được đóng ván kín 3 phía, phía trước cửa mở, bên trong đặt bài vị, bát hương… Ngoài ra các đền nhỏ còn có hai thanh đao, hai trái cù to được đục và chạm trổ một cách tỉ mỉ, đẹp mắt.
Đền Cả là ngôi đền lớn nhất, có 2 gian, phía trên và dưới đều kẻ bẩy, không có bục, tức là không có ván đóng 3 bên, phía trước để cửa thông cho mọi người có thể bước vào thắp hương. Hai gian của đền Cả cũng có diện tích không quá lớn, chỉ đủ để đặt bàn thờ. Đền có bốn cột, phía trên có bẩy cong cong và khum lại, hai bên cũng có bẩy hướng ra. Kiến trúc của đền Cả được thực hiện khá tinh vi và điêu luyện, đặc biệt là trong việc chạm khắc những hoa văn, họa tiết trên các thân cột, diềm và bẩy.
Chuyện lạ kỳ quanh Rú Đền
Trong kháng chiến chống Mỹ, người dân Đông Sơn chưa biết chiến tranh là như thế nào, thậm chí họ không biết đào hầm mà ẩn lấp. Thấy bom Mỹ dội xuống, ai cũng hoảng loạn, chỉ biết tìm chỗ kín mà trốn. Vùng Rú Đền trước đây còn hoang sơ, cây cối um tùm, có những cây cổ thụ to và rất cao.
Hơn nữa, bao quanh Rú Đền là khe nước và đầm lầy toàn cây lác, cây lau rậm rạp. Chính vì thế dân Đông Sơn khi thấy tiếng bom đạn là cứ ra đó nằm dọc theo cả một bờ khe, nép vào những hang hốc giao nhau giữa vùng nước và đồi ấy để mà trốn, cả một hàng dài lên đến hàng cây số.
Ông Giáp vẫn có tâm trạng rất ngạc nhiên dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm: “Có điều kì lạ là dẫu bom mìn của bọn Mỹ có dội ác liệt đến mấy, chúng oanh tạc có khủng khiếp đến nhường nào thì có thể trúng ở đâu đâu, còn không bao giờ dội trúng vào Rú Đền này”. Cũng chính vì thế mà Rú Đền từng là vùng mà bộ đội ta chọn làm căn cứ trú ngụ một thời trong chiến tranh. (Theo Thế giới và Hội nhập)