QĐND - Quân đội ta hiện đang quản lý số lượng lớn xe máy sử dụng động cơ xăng do Liên Xô (trước đây) và một số nước Đông Âu, Trung Quốc sản xuất. Các loại xe máy quân sự động cơ xăng biên chế trong quân đội theo các nhóm nhiệm vụ dự trữ, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và hoạt động thường xuyên. Xe máy quân sự động cơ xăng khi hoạt động tiêu thụ lượng nhiên liệu rất lớn, trong khi giá xăng ngày càng nâng cao, yêu cầu chỉ tiêu, định mức tiết kiệm xăng dầu cấp bách hơn. Để khai thác hiệu quả các loại xe máy quân sự, tiết kiệm nhiên liệu, việc nghiên cứu đi-ê-den hóa các loại xe máy động cơ xăng trở nên rất cần thiết. Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ đi-ê-den hóa, thay thế các loại động cơ xăng của xe máy quân sự.
Ca-nô BMK-150M cải tiến, sử dụng động cơ đi-ê-den trưng bày tại Triển lãm sáng kiến cải tiến kỹ thuật Binh chủng Công binh tháng 1-2012.Yêu cầu đặt ra trong nghiên cứu thay thế động cơ xăng bằng động cơ sử dụng nhiên liệu đi-e-den cho xe máy quân sự là tận dụng tối đa các bệ, khung xe cơ sở; xe máy hoạt động ổn định, tin cậy, giữ được các tính năng kỹ thuật, chiến thuật đã có, công suất hoạt động tương đương trở lên, đồng thời nâng cao tính tiện nghi và dễ khai thác, bảo đảm kỹ thuật thuận lợi. Từ yêu cầu trên, các nhà khoa học Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu thiết kế cải tiến xe máy quân sự; khảo sát các loại xe máy hiện có; lựa chọn các phương án thay thế, lắp ráp động cơ đi-ê-den. Các nhà khoa học chú ý các đặc tính kỹ thuật khi lựa chọn động cơ mới, tính toán lắp đặt các cụm phụ trợ trong cấu hình và kích thước choán chỗ của động cơ. Từ kết quả nghiên cứu, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự ứng dụng nghiên cứu cải tiến, thay thế động cơ xăng bằng động cơ đi-ê-den cho nhiều loại xe máy quân sự. Các nhà khoa học của Viện còn phối hợp với Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật) nghiên cứu lắp ráp động cơ thế hệ mới chạy bằng nhiên liệu đi-ê-den công suất từ 100 đến 200 mã lực thay thế động cơ xăng của tàu cuốc phục vụ cho nhiệm vụ vận tải.
Trên hướng nghiên cứu đi-ê-den hóa các loại xe cơ giới quân sự, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã mở các đề tài nghiên cứu thiết kế, ứng dụng động cơ đi-ê-den của Liên bang Nga, Hàn Quốc lắp ráp thay thế động cơ xăng của xe ô tô URAL, ZIL-130, ZIL-131, GAZ-53, GAZ-66, xe PAZ chở quân… Đến nay đã có hàng chục xe ô tô ZIL-130, ZIL-131 được đi-ê-den hóa và cải tiến đồng bộ, đưa vào trang bị. Các xe ô tô ZIL-130, ZIL-131 lắp động cơ đi-ê-den được sử dụng để vận chuyển, chuyên chở nước phục vụ các đơn vị thi công đường tuần tra biên giới rất hiệu quả.
Thực hiện nhiệm vụ Tổng cục Kỹ thuật giao, các nhà khoa học Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự triển khai nghiên cứu cải tiến, đồng bộ thành công thế hệ xe thiết giáp BTR-152. Đây là loại xe do Liên Xô viện trợ, qua nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, việc bảo đảm kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Viện đã nghiên cứu thiết kế, tính toán, lựa chọn loại động cơ đi-ê-den tương thích về đặc tính kỹ thuật, thay thế động cơ xăng của xe; cải tiến hệ thống lái (có trợ lực), khung, mui và nội thất của xe; phục hồi, cải tiến hệ thống bơm lốp tự động, lắp thêm đèn tín hiệu, còi và đèn ưu tiên. Xe BTR-152 sau khi đã cải tiến có tính năng kỹ thuật, chiến thuật hơn hẳn, nhất là khả năng cơ động leo dốc, tăng tốc, chuyển hướng. Xe BTR-152 còn được lắp hệ thống điều hòa, làm mát và tiện nghi hơn, bảo đảm tốt khả năng chở quân cơ động đường dài.
Nghiên cứu thay thế động cơ đi-ê-den hóa cho các phương tiện, xe máy công binh là một trong những hướng ưu tiên của Quân đội ta. Binh chủng Công binh đã phối hợp với Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự nghiên cứu đi-ê-den hóa xe máy của bộ cầu nổi PMP. Ca-nô BMK-150M là thành phần quan trọng trong việc triển khai bộ phà PMP vượt sông, sử dụng động cơ xăng, hiện nay đã xuống cấp, công suất hạn chế. Cùng với sự tham gia tư vấn của Viện Kỹ thuật Hải quân, các nhà khoa học Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã nghiên cứu thiết kế, sử dụng động cơ đi-ê-den YC4F90-21 thay thế cho các động cơ xăng máy chính M70CPE. Động cơ đi-ê-den mới có tổng công suất hệ động lực lớn hơn, nhờ đó làm tăng vận tốc của ca-nô. Qua thử nghiệm thực tế, ca-nô sử dụng động cơ đi-ê-den YC4F90-21 ưu điểm vượt trội, hoạt động tin cậy trong điều kiện khắc nghiệt. Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự hoàn thiện thiết kế, quy trình công nghệ và chuyển giao cho các nhà máy chế tạo, góp phần phục hồi các bộ cầu nổi PMP có trong trang bị của quân đội ta. Trên cơ sở đi-ê-den hóa ca-nô BMK-150M, các nhà khoa học Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự tiếp tục triển khai đi-ê-den hóa các loại động cơ xăng của trang bị xe máy công binh, góp phần bảo đảm trang bị phục vụ huấn luyện, bảo đảm cơ động vượt sông của Quân đội ta.