QĐND - Viện Hóa học-Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) đã hoàn thành nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu chế tạo mỡ bôi trơn khô chịu tải, chịu nhiệt sử dụng cho VKTBKT quân sự”.
Qua nghiên cứu, thử nghiệm, các nhà khoa học đã xác định được đơn thành phần chế tạo hệ mỡ tạo màng bôi trơn khô trên cơ sở hai cấu tử bôi trơn rắn là MoS2 và graphit mang trong mỡ nền silicon và paraphin có tính tương hợp cao. Hàm lượng các thành phần phù hợp cho chi tiết ma sát chịu tải trọng cao và nhiệt độ cao bao gồm: Axit stearic, LiOH, dầu paraphin, dầu silicon, MoS2, graphit. Sản phẩm có các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với sản phẩm cùng loại của nước ngoài với các tính năng kỹ thuật chủ yếu: Nhiệt độ chảy mềm -252oC, ăn mòn tấm đồng -1b, nhiệt độ làm việc đến 250oC. Khả năng giảm ma sát của mỡ bôi trơn màng khô thu được cao (hệ số ma sát <0,2). Hệ mỡ bôi trơn được phân tán trong dung môi hữu cơ bay hơi nhanh để tạo màng khô bằng phương pháp phun trực tiếp trên bề mặt chi tiết chịu ma sát có hệ số ma sát thấp, đáp ứng yêu cầu cho các chi tiết chịu ma sát làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Các tác giả cũng đã xác lập được quy trình chế tạo mỡ bôi trơn màng khô quy mô phòng thí nghiệm và có thể ứng dụng ở quy mô công nghiệp.
Mỡ bôi trơn khô chịu tải, chịu nhiệt đã được áp dụng thử thay thế cho các sản phẩm cùng loại hiện đang nhập ngoại cho kết quả tốt. Đặc biệt, mỡ đã được thử nghiệm trong vòng bi rơ-le phân cực trong thiết bị máy lái tên lửa 3M-24E thuộc tổ hợp tên lửa đối hải Ural-E cho đường đặc tính khi thiết bị hoạt động tốt.
Vật liệu bôi trơn có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng, độ tin cậy và tuổi thọ của máy móc, động cơ… Chất bôi trơn rắn là một trong số vật liệu bôi trơn được sử dụng chủ yếu cho các chi tiết chịu ma sát làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, phạm vi nhiệt độ làm việc rộng, áp suất cao, tải trọng lớn. Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về chất bôi trơn màng rắn và đã được đưa vào ứng dụng trong các ngành công nghiệp vũ trụ, hàng không... Tuy nhiên, ở nước ta việc nghiên cứu về màng bôi trơn rắn nhìn chung chưa nhiều. Đặc biệt, nghiên cứu về màng bôi trơn rắn dùng cho các chi tiết trong tên lửa vẫn chưa có nhiều kết quả. Việc nghiên cứu chế tạo thành công mỡ bôi trơn chịu tải, chịu nhiệt có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ bôi trơn màng khô ứng dụng trong quân sự nhằm nâng cao chất lượng VKTBKT.