I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ASEM
ASEM (Hội nghị Á – Âu) là diễn đàn đối thoại và hợp tác không chính thức, được sáng lập vào năm 1996. Thành viên ban đầu bao gồm 15 nước Liên minh châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Đức, áo, Hy Lạp, Aixơlen, Italia, Hà Lan, Lúcxămbua, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh và 7 nước ASEAN (Brunây, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xingapo, Thái Lan, Việt Nam), ba nước Đông Bắc á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Ủy ban châu Âu. Do việc mở rộng liên minh châu Âu vào tháng 5 năm 2004, hội nghị thượng đỉnh ASEM được tổ chức tại Hà Nội từ 8-9 tháng 10 năm 2004 đã kết nạp thêm 10 nước thành viên EU mới cùng với 3 nước thành viên Asean (Campuchia, Lào và Mianma). Theo như tuyên bố của Hội đồng quan hệ đối ngoại (GAERC) ngày 13/9/2004, sự tham gia của Mianma được thông qua với triển vọng rằng sự tham gia của Chính phủ Mianma tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM sẽ thấp hơn cấp Chính phủ. Bên cạnh đó, châu Âu sẽ tận dụng cơ hội để hợp tác với các nước châu Á trong việc giải quyết vấn đề nhân quyền tại Mianma.
1. Hoàn cảnh ra đời của ASEM
Tại Hội nghị Kinh tế cấp cao châu Âu - Ðông Á lần thứ ba tại Xingapo tháng 10 năm 1994, Thủ tướng Xingapo Gô Chốc Tông đã đưa ra sáng kiến tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu nhằm tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục. Sáng kiến này cũng được chính thức đặt ra với thủ tướng Pháp
trong chuyến thăm Pháp cuối năm 1994 của Thủ tướng Gô Chốc Tông và ngay lập tức được nhiều nước Á - Âu hưởng ứng. Tháng 3 năm 1996, Hội nghị các nguyên thủ quốc gia về Hợp tác Á - Âu (Asia' Europe' Summit Meeting - ASEM) lần đầu tiên được tổ chức tại Băng Cốc Thái Lan với sự tham gia của các nguyên thủ quốc
gia 15 nước thuộc Líên minh Châu Âu, mười nước Châu Á (bao gồm Nhật Bản,Trung Quốc Hàn Quốc và bảy nước ASEAN là Brunây, Inđonêxia, Malaixia, Philippin, Xingapo, Thái Lan và Việt Nam). Sau Hội nghị Thượng đỉnh này, Hợp tác Á – Âu đã chính thức ra đời và lấy tên của Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên (ASEM) làm tên cho chương trình hợp tác này. Thực chất, hiện nay ASEM là một diễn đàn hợp tác, cơ chế phối hợp thông qua các nước điều phối viên và chưa có Ban Thư ký điều hành. Các nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thảo luận hướng phát triển của ASEM trong thời gian tới và có nhiều khả năng ASEM sẽ được nâng lên thành một tổ chức kinh tế khu vực để giải quyết vấn đề tự do hoá thương mại, đầu tư giữa Châu á và Châu Âu.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá nền kính tế thế giới hiện nay, Hợp tác Á - Âu có ý nghĩa hết sức to lớn các nước châu Âu thành viên ASEM đã trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng với việc hình thành Liên minh tiền tệ Châu Âu (EMU) và việc sử dụng đồng tiền chung EURO vào tháng l năm 1999. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa cả về chiều rộng và chiều sâu. Song song với EU, vai trò của châu Á ngày càng được củng cố trong hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế với tiềm năng to lớn về cơ hội thương mại và đầu tư sự liên kết giữa hại khối kinh tế lớn nây thông qua ASEM sẽ tạo ta một động lực mới thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai Châu lục phát triển, tạo nên một sức mạnh tổng hợp của ba khôí kinh tế lớn là EU, Nhật Bản và các nước châu Á đang phát triển. Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ và các nước Bắc Mỹ đã xây dựng và đang phát triển mạnh mẽ mọi quan hệ kinh tế với các nước Châu Á trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), châu Âu đã có liên hệ chặt chẽ với Bắc Mỹ qua quá trình lịch sử và mạng lưới dày đặc của những thể chế xuyên Ðại Tây Dương, ASEM còn có một ý nghĩa mang tính chất chiến lược, đó là cái cầu nối thắt chặt hơn châu Âu với châu Á, tạo đối trọng trong quan hệ giữa các trung tâm kinh tế lớn là EU - Mỹ - Nhật Bản và các nước châu Á đang phát triển.
2. Mục tiêu và nguyên tắc hoạt động
2.1. Mục tiêu
Mục tiêu chủ đạo của Hợp tác Á - Âu hiện nay (được thông qua tại Hội nghị ASEM I) là Hợp tác để tạo sự tăng trưởng hơn nữa ở cả châu Á và châu Âu. Mục tiêu này đã được cụ thể hoá ở Khuôn khổ hợp tác Á - Âu (AECF) thành các mục tiêu cơ bản sau:
- Thúc đẩy đối thoại chính trị để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và thống nhất quan điềm của hai châu lục đối với các vấn đề chính trị và xã hội của thế giới;
- Xây dựng quan hệ đối tác một cách toàn diện và sâu rộng giữa hai châu lục Á, Âu để thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên.
- Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, môi trường, phát triển nguồn nhân lực:... để tạo sự tăng trưởng bền vững ở cả châu Á và châu Âu.
Các mục tiêu trên đã và đang được thực hiện thông qua một loạt các chương trình hành động của ASEM như Chương trình thuận lợi hoá thương mại (TFAP), Chương trình xúc tiến dầu tư (IPAP), Trung tâm công nghệ môi trường Á - Âu, Quỹ Á - Âu (ASEF), Quỹ tín thác… Về mặt kinh tế, ASEM đặt ra ba mục tiêu cụ thể là:
- Thúc đẩy giao lưu giữa các doanh nghiệp;Cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư; và
- Tạo sự tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.
Như vậy, trong lĩnh vực kính tế, tuy ASEM chưa đề ra các mục tiêu về giảm thuế và các nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc như các tổ chức ASEAN, WTO, song ba mục tiêu cụ thể nêu trên đã tạo nền tảng cho việc phát triển quan hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai châu lục, góp phần tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại, đầu tư và đóng vai trò như một chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
2.2. Nguyên tắc hoạt động
Theo Khuôn khổ hợp tác Á - Âu thông qua tại ASEM II ở Anh tháng 4/1998 và Khuôn khổ hợp tác Á - Âu 2000 thông qua tại ASEM III ở Hàn Quốc tháng 10/2000, mục đích của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á -Âu vì sự phát triển mạnh mẽ hơn" trong thế kỷ XXI. ASEM tiến hành hoạt động theo những nguyên tắc sau:
- Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi;
- ASEM là một quá trình mở, tiệm tiến, không chính thức nên không nhất thiết thể chế hóa;
- Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau;
- Triển khai đồng đều ở cả ba lĩnh vực hợp tác chủ yếu là tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác;
- Việc mở rộng thành viên cần phải được thực hiện với sự nhất trí chung của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.
3. Cơ chế hoạt động của ASEM
Bản chất của ASEAN là một diễn đàn đối thoại, hoạt động bổ trợ cho các tổ chức hoặc diễn đàn đa phương khác (ví dụ như xúc tiến đối thoại giữa các thành viên ASEM về các vấn đề của Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới, các vấn đề nổi cộm của kinh tế thương mại toàn cầu và khu vực, .v.v, nhằm đạt được sự đồng thuận và quan điểm chung của các thành viên ASEM trong các diễn đàn nêu trên). Ngoài ra, hoạt động của Asem cũng có đặc trưng là hoạt động đối thoại cấp cao, theo đó mọi vấn đề cơ bản của ASEM sẽ được thảo luận và thông qua tại Hội nghị cấp cao (HộI nghị Thượng đỉnh). Các hộI nghị cấp thấp hơn sẽ thực hiện hoặc điều phối thực hiện các quyết định mà các nguyên thủ quốc gia đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh.
Với đặc điểm nêu trên, hoạt động của ASEM hiện nay chưa được thể chế hoá. Các hoạt động hợp tác được tổ chức thông qua hai nước điều phối viên châu Á và hai nước điều phôi viên châu Âu với nhiệm kỳ hai năm (hiện tại Thái Lan và Hàn Quốc là các điều phối viên phía châu Á; nước Chủ tịch và Ủy viên của Cộng đồng châu Âu là điều phối viên phía châu Âu). Các nước điều phối viên nhóm họp khi cần thiết (thông thường 2-3 lần mỗi năm) thông qua các nhóm công tác chuyên về từng lĩnh vực chính trị hoặc kinh tế. Cơ quan điều phối ASEM tại mỗi nước là Bộ Ngoại giao. Có thể khi hoạt động đi vào chiều sâu, ASEM sẽ được cơ cấu lại với các ban và nhóm công tác hoàn chỉnh.
Hiện tại, các kênh hội nghị chính của ASEM bao gồm:
3.1. Hội nghị Thượng đỉnh (ASEM): Ðược tổ chức hai năm một lần để bàn về các vấn đề chiến lược của ASEM và phê chuẩn các chương trình hợp tác;
3.2. Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (Asia - Europe Parliamentary Partnership Meeting - ASEP): Là diễn đàn đối thoại liên nghị viện nằm trong khuôn khổ tiến trình Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM);
3.3. Hội nghị cấp Bộ trưởng: Họp hai năm một lần.
a. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (FMM): Chịu trách nhiệm xử lý, theo dõi các vấn đề về chính trị và xã hội, điều phối công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEM thông qua Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM).
b. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế (EMM). Là diễn đàn để theo dõi việc thực hiện các hoạt động hợp tác kinh tế Á - Âu xem xét và có thể thông qua những đề xuất hợp tác mới, trực tiếp báo cáo các vấn đề kinh tế lên Hội nghị Thượng đỉnh ASEM
c. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính: Thảo luận các vấn đề về tài chính trong khu vực, xây đựng các chương trình hợp tác về quản lý tài chính, chống rửa tiền.
d. Hội nghị Bộ trưởng khoa học, Công nghệ và Môi trường (S&TMM): Thảo luận và thông qua các chương trình hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
3.4. Hội nghị quan chức cấp cao
a. Hội nghị Thứ trưởng Tài chính
b. Hội nghị quan chức cấp cao ngoại giao (SOM): Nhiệm vụ chính của SOM là bàn luận các vấn đề về đôi thoại chính trị, hợp tác văn hóa, xã hội của ASEM, xây dựng các chương trình hành động trong các lĩnh vực trên để báo cáo các Bộ trưởng Ngoại giao.
c. Hội nghị các quan chức cấp cao thương mại và đầu tư (SOMTI) là nơi tiếp nhận, xử lý các vấn đề về hợp tác kinh tế được triển khai thực hiện ở các nhóm chuyên môn và các ngành kinh tế khác, trên cơ sở đó tổng hợp và có báo cáo, khuyển nghị lên EMM.
d. Hội nghị các Tổng cục trưởng hải quan: Họp hai năm một lần và báo cáo kết qủa lên SOMTI. Hội nghị này chủ yếu đi sâu về các vấn đề hợp tác hải quan, đơn
giản hoá và hài hoà hoá thủ tục Hải quan và chống buôn lậu chống rửa tiền và buôn bán ma tuý.3.5.Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu.
3.5. Các nhóm công tác ở cấp chuyên viên: Nhằm giải quyết những vấn đề kỹ thuật cụ thể của các chương trình của ASEM. Hiện nay ASEM đang có các nhóm công tác sau:
- Các nhóm công tác hoạt động theo khuôn khổ của TFAP như Nhóm về tiêu chuẩn chất lượng thủ tục hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR), SPS, mua sắm của chính phủ v.v.;
- Nhóm chuyên gia về đầu tư (IEG) hoạt động trong khuôn khổ IPAP;
3.6 . Các hoạt động chủ yếu khác
Một số cơ quan hoặc chương trình hoạt động đã được thiết lập theo quyết định của các nguyên thủ quốc gia nhân tăng cường hiểu biết, hợp tác và giao lưu giữa doanh nhân hai khu vực.
a. Quỹ Á - Âu (ASEF): Là một quỹ tài trợ phải lợi nhuận đặt tại Xingapo nhằm xúc tiến giao lưu Á - Âu trong các lĩnh vực văn hoá - xã hội. Ðược thiết lập năm 1997 từ các nguồn đóng góp tự nguyện của các nước thành viên ASEM, ASEF đã tổ chức được một số lượng đáng kể các hội thảo và hội nghị chuyên đề trong các lĩnh vực này. Tổng đóng góp vào quỹ khoảng 25 triệu USD.
b. Trung tâm công nghệ môi trường Á - Âu (AEETC): thành lập năm 1999, đặt tại Băng Cốc, Thái Lan với nhiệm vụ xúc tiến Hợp tác Á - Âu trong một số vấn đề
thiết yếu về môi trường Ngân sách hoạt động của Trung tâm khoáng 6 triệu USD do các nước thành viên đóng góp.
c. Quỹ tín thác ASEM (ATF): Do WB quản lý nhằm cung cấp..tài chính cho các chương trình trợ giúp kỹ thuật và đào tạo về các lĩnh vực xã hội và tài chính cho các nước châu Á bị tác động bởi khủng hoảng tài - chính tiền tệ được thành lập năm 1998 và hoạt động trong hai năm, Quỹ đã thu hút được 42 triệu EURO vốn đóng góp từ các thành viên. Hiện Việt Nam được tài trợ ba chương trình từ nguồn vốn của Quỹ là cải cách và phát triển hệ thống ngân hàng, vào việc làm và chương trình mạng lưới an toàn, xã hội "Ðẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá và thương mại hoá các doanh nghiệp quốc doanh trong ngành vận tải."
d. Diễn đàn doanh nghiệp ASEM (AEBF): Được tổ chức hàng năm để tập hợp các doanh nghiệp có tầm cỡ trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, du lịch, xúc tiến thương mại và đầu tư. Mục đích của Diễn đàn là bàn về phương hướng xây dựng chiến lược doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên và tổng hợp ý kiến đề xuất lên Hội nghị Thượng đỉnh ASEM.
II. QUAN HỆ VIỆT NAM - ASEM
Việt Nam là một trong những nước thành viên sáng lập của ASEM. Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEM trong nhiều lĩnh vực đã có những bước phát triển tích cực.
Từ năm 1996, ASEM đã đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Thị trường ASEM đã và đang tạo nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI và gia tăng khối lượng thương mại với các đối tác trong ASEM. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối 2004, Việt Nam đã thu hút được 2.750 dự án đầu tư từ các thành viên ASEM, với tổng số vốn đăng ký 27,03 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 16,4 tỷ USD. Các dự án đầu tư của của các nước thành viên ASEM chiếm 53% tổng dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đã thu hút được khá nhiều vốn ODA từ các nước ASEM, nhất là từ Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, trong đó, Nhật Bản chiếm khoảng 40% ODA từ các nước cam kết viện trợ cho các nước thành viên còn kém phát triển. Các nhà đầu tư ASEM có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tầu. Có thể nói, đầu tư của các nước ASEM vào Việt Nam trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc tạo việc làm cho người lao động, tăng một khối lượng đáng kể hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Là một thành viên sáng lập của ASEM, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động của tổ chức. Việt Nam đã tích cực tham gia ngay từ đầu vào các nỗ lực thành lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), trong đó có sự chuẩn bị về song phương và đa phương trong khuôn khổ ASEAN. Mặc dù gặp khó khăn, song được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã hoàn thành tốt trách nhiệm của một quốc gia thành viên tích cực ngay từ khi ASEM được hình thành tại Băng Cốc (Thái Lan) tháng 3 năm 1996, và ngày càng chủ động hơn trong việc triển khai các thỏa thuận và đóng góp cho ASEM trên cả 3 lĩnh vực đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực khác, đăng cai một số cuộc họp ASEM, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực. Đặc biệt, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò điều phối viên châu Á kể từ Hội nghị Cấp cao ASEM 3 đến nay.
Về lĩnh vực chính trị: Việt Nam đã tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào các sinh hoạt chính trị của ASEM. Sự tham dự của các vị lãnh đạo Việt Nam tại các kỳ Hội nghị Cấp cao, đã chứng tỏ sự coi trọng của Việt Nam đối với ASEM. Việt Nam đã cử đoàn tham dự các Hội nghị Bộ trưởng, các cuộc họp ASEM SOM, họp điều phối viên. Tại các hội nghị đó, Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình thảo luận, xây dựng các văn kiện như Khuôn khổ hợp tác Á - Âu, các Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị nhằm xác định mục tiêu, nguyên tắc, cơ chế, ưu tiên, định hướng cho hợp tác ASEM, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển và làm phong phú thêm nội dung hợp tác giữa hai châu lục. Trong khi Á-Âu có sự khác biệt về quan tâm và thứ tự ưu tiên hợp tác, Việt Nam đã phối hợp cùng các thành viên châu Á khác kiên trì nguyên tắc đối thoại bình đẳng, dành ưu tiên cao nhất cho hợp tác cùng có lợi; bảo đảm đối thoại chính trị tiến hành trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo bầu không khí ngày càng thuận lợi cho đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác. Đề xuất của Việt Nam đưa hợp tác ASEM, nhất là hợp tác kinh tế đi vào thực chất tại Hội nghị Cấp cao ASEM 5 đã được các thành viên hoan nghênh, chứng tỏ khả năng góp tiếng nói tích cực điều hòa lợi ích giữa các thành viên ASEM của Việt Nam. Trong đối thoại chính trị, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào nỗ lực chung bảo vệ hòa bình, chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ trang, trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, vì hợp tác bình đẳng và có lợi, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế dân chủ công bằng.
Trong các vấn đề khác như môi trường, quản lý luồng di cư, tăng cường phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực..., Việt Nam đã góp tiếng nói tích cực vào nỗ lực của hai châu lục trong đối phó với những vấn đề phức tạp này.
Không chỉ tích cực tham gia, Việt Nam còn đăng cai nhiều hội thảo trao đổi quan điểm và đánh giá chung của các học giả về những vấn đề chính trị mà các thành viên quan tâm, như “Hội thảo Chương trình an ninh toàn cầu mới và triển vọng trong hợp tác Á-Âu”, “Hội thảo bàn tròn về hòa bình và hòa giải”. Thực hiện vai trò điều phối viên, Việt Nam đăng cai nhiều cuộc họp các cấp và phối hợp với các thành viên điều hành tốt, đồng chủ trì và đóng góp vào nhiều chủ đề thảo luận tại tất cả các cuộc họp ASEM. Việt Nam đã chú trọng tham khảo trong ASEAN, đề cao tiếng nói chung của châu Á, cơ bản xử lý nhanh chóng và tốt các vấn đề, đưa ra nhiều đề xuất giải quyết các vấn đề chung để duy trì tiến trình ASEM phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực cũng như của ASEM.
Về lĩnh vực kinh tế: Việt Nam đã cử đoàn tham gia tất cả các hội nghị cấp Bộ trưởng các ngành kinh tế và tài chính, và các cuộc họp các quan chức cao cấp Thương mại và Đầu tư trong khuôn khổ ASEM. Đặc biệt, Việt Nam còn đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế (EMM) ASEM lần thứ ba tại Hà Nội tháng 9/2001. Mặc dù lần đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch EMM với chương trình nghị sự đồ sộ, nhưng Việt Nam đã điều hành hội nghị hiệu quả, chuẩn bị tổ chức hậu cần chu đáo, bảo đảm hội nghị đạt kết quả tốt đẹp, được các đại biểu đánh giá cao.
Trong quá trình tham gia ASEM, Việt Nam đã cùng các nước châu Á nhấn mạnh hợp tác kinh tế là cơ sở vững chắc cho quan hệ đối tác giữa hai châu lục. Việt Nam cho rằng ASEM cần tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nước, quan tâm thích đáng đến sự phát triển giữa các nước thành viên, hỗ trợ các nước đang phát triển trong chuyển giao công nghệ, giải quyết chênh lệch về kỹ thuật số, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, để giúp những nước này trở thành đối tác lâu dài, ổn định, đưa sự hợp tác ASEM thực sự trở thành quan hệ đối tác cùng có lợi.
Đối với các chương trình, hoạt động cụ thể của ASEM, Việt Nam đã tham gia xây dựng và triển khai “Kế hoạch Hành động Xúc tiến đầu tư” (IPAP), “Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại” (TFAP), cử người tham gia Nhóm chuyên gia về đầu tư (IEG), Nhóm đặc trách ASEM về quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn. Đặc biệt, với vai trò là một điều phối viên kinh tế của châu Á từ năm 2000, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế trong ASEM, được các nước đánh giá cao.
Trong khuôn khổ TFAP, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEM xây dựng Danh sách các rào cản chung trong thương mại trên 8 lĩnh vực ưu tiên ban đầu của TFAP và một số các rào cản chung khác.
Trong khuôn khổ IPAP, Việt Nam đã tham gia mạng Thông tin về đầu tư ASEM, cung cấp thông tin cập nhật về tình hình đầu tư nước ngoài, các văn bản pháp qui, chính sách đối với các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các chương trình khuyến khích và xúc tiến đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong hợp tác về doanh nghiệp, Việt Nam đã tham gia các cuộc họp của Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu, Hội nghị Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam chủ động đăng cai tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) lần thứ 9.
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam đã tham gia đóng góp từ những Hội nghị Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của ASEM. Việt Nam đã tích cực trao đổi tài chính, tham gia hầu hết các chương trình hợp tác như hợp tác chống rửa tiền, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nợ công... Thiết thực nhất trong hợp tác tài chính là Việt Nam đã tận dụng được Quỹ Tín thác ASEM (AFT) cho tiến trình cải cách hệ thống tài chính-ngân hàng và hệ thống an sinh xã hội. Tính đến nay, các bộ, ngành của Việt Nam đã tranh thủ ATF trợ giúp triển khai 21 dự án với giá trị gần 13,35 triệu USD trên các lĩnh vực cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, xóa đói giảm nghèo và cải cách hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, giai đoạn I (998-2001), Việt Nam có 7 dự án nhận tài trợ từ Quỹ Tín thác với tổng số vốn là 5,48 triệu USD; giai đoạn II (năm 2002 đến nay) là 14 dự án với tổng giá trị tài trợ 7,87 triệu USD. Hiện một loạt các dự án đã được triển khai một cách có hiệu quả là: “Cải cách và phát triển hệ thống ngân hàng”, “Chương trình phát triển mạng lưới bảo đảm xã hội và tạo công ăn việc làm”, “Thúc đẩy và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong khu vực giao thông vận tải”, “Cải cách các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam”, “Cơ cấu lại khu vực ngân hàng”, “Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo”, và “Đào tạo các nhà lãnh đạo và quản lý về quản trị doanh nghiệp”...Việt Nam cũng đã đóng góp cho Quỹ Á-Âu (ASEF) trong các giai đoạn 1997-2001 và 2002-2006 (mỗi giai đoạn 100.000 USD).
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nổi bật nhất về sự tham gia của Việt Nam là sáng kiến “Hội thảo ASEM về tuyến đường sắt tơ lụa Á-Âu (thông qua tại Hội nghị FMM 6, Ailen, tháng 4/2004), Việt Nam đồng tác giả với Hàn Quốc và một số nước ASEM khác.
Đặc biệt với tư cách điều phối viên kinh tế Châu Á trong ASEM và là chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEM 5, Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực điều phối viên các hoạt động hợp tác kinh tế, chủ động chuẩn bị nội dung về kinh tế cho Hội nghị. Nổi bật nhất trong nỗ lực của Việt Nam đưa hợp tác kinh tế ASEM lên một tầm cao mới thể hiện ở sự chủ động đề xuất và chuẩn bị tích cực cho việc đưa ra một Tuyên bố về hợp tác kinh tế ASEM trong thời kỳ mới, đưa hợp tác ASEM, nhất là hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn tại Hội nghị Cấp cao ASEM 5. Đây là một dấu ấn quan trọng, định hình khuôn khổ hợp tác kinh tế ASEM trong thời kỳ mới, đưa hợp tác ASEM, nhất là hợp tác kinh tế đi vào thực chất và hiệu quả hơn, phản ánh đầy đủ mối quan tâm và lợi ích của tất cả các thành viên.
Về các lĩnh vực khác: Hợp tác về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, quản lý, khoa học–kỹ thuật, chuyển giao công nghệ là những lĩnh vực hợp tác khác trong ASEM. Sự tham gia thiết thực của Việt Nam vào các hoạt động phong phú và thiết thực này đã góp phần tạo cầu nối gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục.
Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam tích cực hưởng ứng các chương trình hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực như ủng hộ sáng kiến ASEM về Học tập suốt đời, Chương trình học bổng kép ASEM.
Nhận thức lao động và việc làm là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng, thúc đẩy đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý... Việt Nam đã ủng hộ sáng kiến tổ chức Hội thảo ASEM về tương lai việc làm và chất lượng lao động.
Trong hợp tác về văn hóa, Việt Nam đã tích cực tham dự và triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEM, như chủ động đề xuất sáng kiến “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong các nước ASEM” (Pháp là đồng tác giả) được Hội nghị Cấp cao ASEM 2 thông qua và đã được triển khai. Việt Nam đã chủ động phối hợp với các thành viên soạn thảo và chuẩn bị nội dung cho Tuyên bố ASEM về văn hóa-văn minh tại hội nghị ASEM 5, tạo khuôn khổ đối thoại giữa các nền văn hóa lâu đời Á-Âu, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đem lại khí thế mới cho sự phát triển quan hệ đối tác giữa hai châu lục.
Trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các thành viên, góp tiếng nói tích cực thúc đẩy quyết tâm chính trị và cam kết bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật và phát triển những ngành kinh tế sạch.
Về y tế, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được thông qua sáng kiến về "Kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân" và sáng kiến về “Xử lý bệnh dịch bùng phát trong cộng đồng” (đồng tác giả với Trung Quốc).
Dấu mốc nổi bật nhất trong quan hệ hợp tác của Việt Nam trong khuôn khổ ASEM phải kể đến việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội trong hai ngày 8 và 9/10/2004. Trong bối cảnh ASEM sau 8 năm phát triển đã đạt những thành tựu đáng kể, song cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới khi cục diện quốc tế và khu vực có những chuyển biến phức tạp, chủ đề mà Việt Nam đề xuất cho ASEM 5 là: “Tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động và thực chất hơn”, xác lập định hướng phát triển cho ASEM trong tình hình mới càng có ý nghĩa quan trọng. Hội nghị cấp cao ASEM 5 là sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai châu lục, là cơ hội thúc đẩy các mối quan hệ song phương của Việt Nam với các nước thành viên ASEM. Đồng thời, đây cũng là một dịp tốt để khuyếch trương hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện chính: Tuyên bố của Chủ tịch, Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác Á - Âu, Tuyên bố về đối thoại giữa các nền văn hóa-văn minh. Hội nghị cũng kết nạp thêm 13 thành viên mới. Đây cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEM. ASEM5 đã thông qua 9 sáng kiến hợp tác về các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, khoa học-kỹ thuật, công nghệ thông tin, văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo và đã thông qua “Trang thông tin ASEM” nhằm góp phần tăng tính hiệu quả hơn của sự hợp tác, quảng bá hoạt động của ASEM. Các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với các nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên ASEM đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước này. Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 8 văn kiện hợp tác kinh tế - kỹ thuật, bao gồm: Thỏa thuận hợp tác về thanh tra kiểm dịch và giám sát vệ sinh sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu, Nghị định thư kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, Bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than tại Ninh Bình, Bản ghi nhớ về thành lập Nhóm chuyên gia hợp tác kinh tế, thuơng mại Việt Nam-Trung Quốc, Thư trao đổi vấn đề Việt Nam không áp dụng ba điều khoản bất lợi mà Trung Quốc chấp nhận khi gia nhập WTO, Nghị định thư về việc sửa đổi bổ sung "Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới giữa hai nước", Thoả thuận về hợp tác xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội-Hà Đông, Thỏa thuận thành lập Nhóm công tác để cụ thể hóa ý tưởng xây dựng "Hai hành lang, một vành đai kinh tế"; Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định hợp tác xây dựng Trường Cao đẳng công nghệ thông tin Việt Nam - Hàn Quốc bằng tổng số vốn viện trợ không hòan lại của Chính phủ Hàn Quốc trị giá 10 triệu USD và Thỏa thuận về việc Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý và xử lý chất thải rắn tại tỉnh Ninh Bình bằng khoản vay từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) của Hàn Quốc trị giá 21 triệu USD; Cộng hòa Ba Lan cam kết sẽ tiếp tục dành các khoản tín dụng ưu đãi để hỗ trợ ngành Than và Đóng tầu của Việt Nam cũng như việc Ba Lan sẵn sàng giúp Việt nam xây dựng Nhà máy Nhiệt điện công suất lớn. Các hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao như Diễn đàn doanh nghiệp á-âu, Diễn đàn Công đoàn, Diễn đàn Thanh niên, Diễn đàn Nhân dân, Liên hoan phim, văn nghệ, các hội chợ, triển lãm...Đặc biệt, Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp ngành Công nghiệp đã có dịp trao đổi ý kiến, tìm kiếm cơ hội xuất nhập khẩu và hội nhập sản phẩm công nghiệp của mình sang các nước thành viên ASEM v.v…
III. TIN HOẠT ĐỘNG
- 1 đến 2/3/1996, Hội nghị Thượng đỉnh ASEM I. được tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan. Hội nghị đã chính thức thành lập diễn đàn ASEM và bước đầu định ra phương hướng, đường lối và một số nguyên tắc cơ bản điều tiết hoạt động của diễn đàn này.
- Tháng 4/1996, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ nhất (ASEP-1) tổ chức tại Pháp với sự tham gia của 8 nghị viện thành viên thuộc khu vực Đông-Nam Á, Đông-Bắc Á và Nghị viện Châu Âu. Mục đích ban đầu là tạo ra một diễn đàn đối thoại cho các nghị sĩ Á-Âu trong bối cảnh ASEM đang bắt đầu trở thành một tổ chức liên chính phủ và khu vực, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển và thịnh vượng chung tại hai châu lục này.
- Tháng 12/1996, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ nhất được tổ chức tại Pari, Pháp
- Tháng 2/1997, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ hai tại Băng Cốc, Thái Lan
- Tháng 2/1997, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ nhất (FMM - I) được tổ chức tại Xingapo để thông qua một số vấn đề về hợp tác an ninh, chính trị và văn hoá của ASEM, chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEM II.
- Tháng 2/1997, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ hai tại Băng Cốc, Thái Lan
- Tháng 9/1997, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế -ASEM lần thứ nhất (EMM-l) đã được tổ chức tại Makuhari, Nhật Bản. Hội nghị đã thông qua ba văn kiện cơ bản của hợp tác kinh tế ASEM để trình lên Hội nghị cấp cao ASEM II là Khuôn khổ hợp tác Á - Âu (AECF), TFAP và IPAP.
- Tháng 9/1997, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ nhất (FMM - 1) được tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan. Nội dung thảo luận chủ yếu tập trung vào vấn đề khủng hoảng tài chính ở châu Á, vai trò tài trợ của IMF, WB, EU và các hình thức để củng cố hệ thống tiền tệ thế giới, chống nạn rửa tiền.
- Tháng 4/1998, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ ba vào tại Luân Ðôn, Anh
- 3 đến ngày 4/4/1998, Hội nghị Thượng đỉnh ASEM II được tổ chức tại Luân Ðôn, Anh trong bối cảnh nền kinh tế châu Á đang bị khủng hoảng trầm trọng. Ngoài các chủ đề thảo luận sâu rộng về chính trị, tài chính, Hội nghị đã đặt cơ sở cho quan hệ đôi tác lâu dài giữa hai châu lục đi vào thế kỷ XXI với việc thông qua sáu văn kiện quan trọng: 'Khuôn khổ hợp tác Á - Âu'', ''Chương trình hành động thuận lợi hoá thương mại'' (TFAP), ''Chương trình hành động xúc tiến đầu tư'' (IPAP), Thành lập nhóm chuyên gia vế đầu tư (IEG), Thành lập ''Nhóm Viễn cảnh Á - Âu'', Thành lập ''Trung tâm công nghệ môi trường Á - Âu'' tại Thái Lan. Hội nghị cũng thông qua Chương trình công tác ASEM 1998-2000 và một số sáng kiếp hợp tác mới do các nước đưa ra, trong đó có hai sáng kiến của Việt Nam về bảo tồn di sản văn hoá và kết hợp chữa bệnh bằng Ðông - Tây y.
- Tháng 1/1999, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ hai (FMM - 2) được tổ chức tại Frankurt/Main, Cộng hoà liên bang Ðức, Hội nghị đã đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và việc lưu hành đồng EURO.
- Tháng 3/1999, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ hai (FMM - II) được tổ chức tại Béclin, Cộng hoà liên bang Ðức thảo luận các vấn đề xoay quanh cuộc khủng hoảng và thông qua ''Chương trình hành động ASEM đến năm 2000''.
- Tháng 9/1999, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ tư tại Xơun, Hàn Quốc
- Tháng 10/1999, Hội nghị Bộ trưởng Kinh Tế ASEM lần thứ hai (EMM-2) được tổ chức tại Béclin, Cộng hoà liên bang Ðức. Hội nghị nhất trí về việc cần cải thiện các điều kiện khung cho việc trao đổi vốn và bí quyết công nghệ giữa Châu Á và Châu Âu, dẹp bỏ những trở ngại trong buôn bán giữa hai khu vực và bày tỏ lập trường đòi WTO phải ủng hộ các nước đang phát triển gia nhập tổ chức này.
- Tháng 10/1999, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh đã thông qua 2 dự án hợp tác khoa học tập trung vào bốn lĩnh vực: nghiên cứu phát triển nguồn lực, nông nghiệp, môi trường và nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp
- Tháng 9/2000, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ năm tại Viên, Áo
- Tháng 10/2000, Hội nghị Thượng đỉnh ASEM III, được tổ chức tại Xơun Hàn Quốc, với chủ đề Quan hệ đối tác vì phồn vinh và ổn định trong Thiên niên kỷ mới. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các vấn đề: Thúc đẩy đối thoại chính trị; Tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại; Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực gồm văn hoá, tri thức, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ phúc lợi phụ nữ và trẻ em; Về tương lai của ASEM. Tại ASEM-III, các nhà lãnh đạo Á-Âu đã đạt được quan điểm nhất trí về mục đích chung của ASEM là thiết lập mối quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện mới vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn và thúc đẩy sự hợp tác ASEM đồng đều. Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện quan trọng: Khuôn khổ hợp tác Á - Âu 2000 (AECF - 2000); Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị ASEM-III; và Tuyên bố Xơun về Hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Hội nghị cũng đã thông qua và ghi nhận 23 sáng kiến mới góp phần thúc đẩy và đa dạng hoá sự hợp tác Á-Âu trong thế kỷ XXI, đặc biệt về các lĩnh vực kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ
- 13 đến 14/1/2001, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Á - Âu lần thứ ba (FMM-3) tổ chức tại thành phố Côbê - Nhật Bản. Hội nghị thảo luận những cơ hội hợp tác mới trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ giảm tốc độ tăng trưởng ảnh hưởng tới kinh tế khu vực Châu Á và việc thành lập đồng tiền chung trong khu vực cũng như tình hình kinh tế Châu Âu sau khi đồng euro được đưa vào lưu hành.
- 24 đến 25/5/2001, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ ba (FMM-III) được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Chủ đề hội nghị: "Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu trong thế kỷ mới".
- Tháng 9/2001, Diễn đàn doanh nghiệp lần tháng sáu tại Xingapo
- 11 đến 12/9/2001, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Á-Âu lần thứ ba (EMM-3) tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam), nhằm tìm ra những biện pháp thiết thực mới để thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua Kế hoạch Hành động Thuận lợi hoá Thương mại (TFAP) và Kế hoạch Hành động Xúc tiến Đầu tư (IPAP).
- 6 đến 7/6/2002, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ tư (FMM-IV) được tổ chức tại Mađrít (Tây Ban Nha) Hội nghị đã kiểm điểm tiến trình hợp tác Á-Âu từ sau FMM-III, trao đổi một số vấn đề quốc tế nổi lên như toàn cầu hoá và các chính sách kinh tế, tình hình an ninh quốc tế mới, những vấn đề xuyên quốc gia, những vấn đề khu vực như tình hình các nước Ápganixtan, Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông.
- 4 và 5/7/2002, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Á-Âu lần thứ tư (FMM-4) diễn ra tại thành phố cảng Côpenhaghen (Đan Mạch) với chủ đề chính là chống khủng bố toàn cầu và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính.
- Tháng 8/2002, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á -Âu lần thứ hai (ASEP-2) được tổ chức tại Manila (Philíppin), với sự tham dự của 26 đoàn đại biểu nghị viện của 10 nước Châu Á, 15 nước Liên minh Châu Âu (EU) và Nghị viện Châu Âu (EP) với mục đích tăng cường mở rộng đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc Châu Á và Châu Âu, thúc đẩy việc định hình diễn đàn liên nghị viện Á-Âu.
- Tháng 9/2002, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ bảy tại Cô-pen-ha-gen, Đan Mạch
- 19 đến 20/9/2002, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Á-Âu lần thứ tư (EMM-4) tổ chức tại Côpenhaghen (Đan Mạch). Chủ đề chính của Hội nghị là tăng cường và mở rộng các quan hệ kinh tế giữa hai lục địa Á-Âu.
- 22 đến 24/9/2002, Hội nghị Thượng đỉnh ASEM IV, được tổ chức tại Cô- pen-ha-gen, Đan Mạch. Hội nghị tập trung vào các chủ đề chính là tăng cường hợp tác Âu-Á về chính trị và an ninh, đẩy mạnh hợp tác kinh tế và văn hoá-xã hội. Hội nghị đã thảo luận về các vấn đề tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai châu lục, đẩy mạnh trao đổi thương mại và lưu thông tài chính, hướng tới thành công của vòng đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), xúc tiến hợp tác về phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, như xoá đói giảm nghèo, các vấn đề về chủng tộc, địa lý, tôn giáo, đa dạng kinh tế-xã hội. Hội nghị đã thảo luận về tình hình thế giới sau Sự kiện 11-9 và những vấn đề an ninh mới, và về những ưu tiên về kinh tế và tài chính khu vực trong bối cảnh toàn cầu hoá. Hội nghị đã thông qua một số văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị ASEM-IV, Tuyên bố của Hội nghị về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và Tuyên bố của Hội nghị về chống khủng bố.
- 5 đến 7/7/2003, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Á-Âu lần thứ năm (FMM-5) tổ chức tại Bali (Inđônêxia), tập trung thảo luận về tăng cường hợp tác tài chính giữa hai châu lục nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khu vực Châu Á đã bị nhiều nhân tố không thuận lợi tác động như giá dầu mỏ tăng, cuộc khủng hoảng Irắc, sự không ổn định tại các thị trường tài chính và sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS); thảo luận về việc phát triển thị trường trái phiếu Châu Á để tránh cuộc khủng hoảng tài chính khu vực trong tương lai và ngăn chặn việc cung cấp tài chính cho các hoạt động khủng bố, chống rửa tiền; Hoan nghênh sáng kiến thành lập Lực lượng Đặc nhiệm hành động Tài chính (Financial Action Task Force - FATF)
- 22 đến 24/7/2003, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Á - Âu lần thứ năm (EMM-5) tổ chức tại thành phố Đại Liên tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Hội nghị thảo luận 3 chủ đề lớn là: Tình hình toàn cầu hoá kinh tế; Hợp tác kinh tế-thương mại Á-Âu; Vòng đàm phán đa phương mới của WTO.
- 24 đến 26/7/2003, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ năm (FMM-V) được tổ chức tại Bali (Inđônêxia). Hội nghị thông qua hai văn kiện quan trọng: Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị về các vấn đề phát triển tại Châu Á và Châu Âu; Tuyên bố chính trị của hội nghị về không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
- Tháng 10/2003, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ tám tại Xơun, Hàn Quốc
- 12/10/2003, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Á - Âu lần thứ hai (ASEM-EnMM-2), diễn ra tại Lêxê (Italia), thảo luận về những vấn đề liên quan tới tương lai môi trường thế giới: Sự thay đổi khí hậu, nguồn nước, việc thực hiện nghị định thư Kyôtô và tình trạng sa mạc hoá...
- 2 đến 4/12/2003, Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa và Văn minh Á - Âu lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) , với chủ đề Sự thống nhất trong tính đa dạng của văn hoá.
- 25 đến 26/3/2004, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ ba (ASEP-3) diễn ra tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Huế, với sự tham dự của đại diện nghị viện 7 nước Đông Nam Á và 3 nước Đông Bắc Á, 15 nước thành viên EU, Nghị viện Châu Âu (EP). Hội nghị tập trung thảo luận 4 chủ đề về chính trị và an ninh, kinh tế, văn hoá và hợp tác Á-Âu: Bối cảnh an ninh quốc tế hiện nay và những thách thức đối với luật pháp quốc tế; Hợp tác vì một nền thương mại bình đẳng hơn và công bằng hơn; Bản sắc văn hoá và đa dạng văn hoá trong khuôn khổ đối tác Á-Âu; Tiếng nói và vai trò của các nghị sĩ trong việc tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động hơn và thực chất hơn.
- 17 và 18/4/2004, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ sáu (FMM-VI) diễn ra tại Kinđeơ (Ailen). Chủ đề của hội nghị này là "Làm thế nào để xây dựng trật tự quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa đa cực hữu hiệu". Hội nghị đã thảo luận vấn đề kết nạp thành viên mới và nhất trí rằng trong thời gian tới ASEM tiếp tục tập trung xem xét việc kết nạp ba nước thành viên ASEAN là Campuchia, Lào và Mianma và 10 nước thành viên mới của EU. Hội nghị FMM-VI đã thông qua Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, Tuyên bố ASEM về hợp tác đa phương, các văn kiện về Cải tiến cách thức điều hành hoạt động của ASEM, thiết lập mạng thông tin ASEM và Qui chế sử dụng logo ASEM.
- Tháng 10/2004, Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 9 tại Hà Nội.
- 8 đến 9/10/2004, Hội nghị Thượng đỉnh ASEM V: Được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (Việt Nam), với sự tham dự của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của 25 nước thành viên ASEM và Chủ tịch EC, với chủ đề "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và thực chất hơn". Theo tinh thần thoả thuận đạt được giữa hai bên Á-Âu trước Hội nghị, ASEM-V là một hội nghị thượng đỉnh lịch sử đánh dấu sự mở rộng của diễn đàn hợp tác này, với việc lần đầu tiên có toàn bộ 25 nước Liên minh Châu Âu (EU) và toàn bộ 10 nước ASEAN, cùng các nước Đông Bắc Á, tham dự hội nghị. Hội nghị đã đưa ra tuyên bố Hà Nội cam kết cùng hành động vì một quá trình hợp tác Á - Âu hiệu quả hơn với việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai khu vực; hợp tác về tài chính; hợp tác trong các lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông...; và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương bằng chủ nghĩa khu vực.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)