I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Liên bang Mi-an-ma (Union of Myanmar). Trước kia tên gọi là Miến Điện, năm 1989, đổi tên nước thành Liên bang Mi-an-ma.
2. Thủ đô: Nây-pi-tô (Nay Pyi Taw, là thủ đô hành chính, từ tháng 1/2006), trước đó là Y-ăng-gun (Yangon).
3. Vị trí địa lý: Mi-an-ma nằm ở Đông Nam Á, có tọa độ từ 09 độ 32 phút đến 28 độ 31 phút vĩ Bắc và 92 độ 15 phút đến 101 độ 11 phút kinh Đông. Có biên giới chung với Trung Quốc (2.185 Km), Lào (235 Km), Thái Lan (1.800 Km), Ấn Độ (1.463 Km), Băng-la-đét (193 Km) và bờ biển dài 2.276 Km (gồm biển Andaman và Vịnh Bengal);
4. Diện tích: 676.577 Km2;
5. Dân số: 56.000.000 triệu
6. Dân tộc: Gồm 135 dân tộc và bộ tộc, đông nhất là người Miến Điện (Burma) chiếm 68%, người Shan chiếm 9%, người Karen chiếm 7%, người Rakhine chiếm 4%, người Hoa chiếm 3%, người Ấn chiếm 2%, người Mon chiếm 2% và các dân tộc khác chiếm 5%;
7. Tôn giáo: Đạo Phật (chiếm 89%), Hồi giáo (4%), Thiên chúa giáo (4%) và các tôn giáo khác.
8. Ngôn ngữ: Tiếng Miến Điện (Burmese)
9. Ngày Quốc khánh: Ngày 4/1/1948.
10. Thể chế: Mi-an-ma theo thể chế Liên bang với 7 bang và 7 Khu hành chính (tương đương bang).
- Quốc hội Mi-an-ma được bầu năm 1990 với 485 đại biểu.
- Đứng đầu Chính phủ là: Thủ tướng
II. QUAN HỆ NGOẠI GIAO, KINH TẾ VỚI VIỆT NAM:
1. Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao với Việt Nam: 28/5/1975.
- Mi-an-ma và Việt Nam có quan hệ rất sớm. Năm 1947, Việt Nam đặt cơ quan thường trú tại Yangon. Chính quyền và các đoàn thể Mi-an-ma tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay của nhân dân Việt Nam trong lúc Mi-an-ma còn nhiều khó khăn.
- Tháng 11/1954, Thủ tướng U Nu sang thăm nước Việt Nam. Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Mi-an-ma. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, Chính phủ Mi-an-ma đã tuyên bố phản đối Mỹ ném bom miền Bắc và rải chất độc hoá học ở miền Nam.
- Sau khi Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam Việt Nam thống nhất đất nước, hai nước đã nâng quan hệ Tổng Lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (28/5/1975).
- Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, nhất là về chính trị. Nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau đã được tiến hành như chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1994), Tổng Bí thư Đỗ Mười (5/1997), Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2002) nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (8/2004) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2007). Lãnh đạo cấp cao Mianma thăm Việt Nam có Chủ tịch SPDC Than Suề đã thăm chính thức Việt Nam tháng 3/1995 và 3/2003, Thủ tướng Khin Nhun (8/2004), Thủ tướng Xô Uyn (4/2005) và Thủ tướng Thên Sên (11/2007), Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Mianma thăm chính thức Việt Nam (10/2009). Ngày 28/5/2005, hai bên cũng đã trọng thể kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2005). Hai bên đã lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và Ủy ban đã họp được 6 kỳ và đã tiến hành 5 cuộc họp tham khảo Chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao vào tháng 8/2005 tại Yangon, tháng 8/2006 tại Hà Nội, tháng 12/2007 tại Nay Pyi Taw, tháng 8/2008 tại Hà Nội và tháng 7/2009 tại Nay Pyi Taw.
- Quan hệ kinh tế-thương mại có những bước phát triển tích cực. Năm 2007 kim ngạch thương mại hai nước đạt 97,2 triệu USD, tăng 19,9% so với năm 2006, trong đó Việt Nam xuất 21,8 triệu USD (tăng 32,1%) nhập 75,4 triệu USD (tăng 16,7%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2008 đạt 108,2 triệu đô la Mỹ, tăng 11% so với năm 2007. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu cũng phần nào ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế-thương mại hai nước. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng đầu năm 2009 đạt 56 triệu USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2008 (xuất 16 triệu; nhập 40 triệu).
- Hai nước đã tiến hành 6 kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Mi-an-ma (lần gần đây nhất là tháng 6/2008). Tại kỳ họp này, hai bên đã bàn nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông-lâm nghiệp, thủy sản, giao thông-vận tải, năng lượng, thông tin, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch và khoa học công nghệ. Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban thương mại chung để thúc đẩy thương mại song phương, tổ chức Hội chợ thương mại hàng năm để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
- Ngoài các quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam và Mi-an-ma còn cùng tham gia quan hệ hợp tác trong ASEAN, một số tổ chức khu vực như Tiểu vùng Mê kông (GMS); Chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông (ACMECS), từ 3-5/5/2007 Hội nghị Bộ trưởng ACMECS đã được tổ chức tại Madalay-Mi-an-ma; Hợp tác Việt Nam-Campuchia-Lào-Mi-an-ma (CLMV)....Thủ tướng Thein Sein tham dự Hội nghị Cấp cao ACMECS 3 và CLMV 4 tại Hà Nội từ 5-7/11/2008. Hai nước có quan điểm gần gũi, thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Các Hiệp định, thỏa thuận về kinh tế đã ký kết:
- Hiệp định Thành lập Ủy ban Hỗn Hợp về Hợp tác song phương giữa hai nước (5/1994)
- Hiệp định Thương mại (5/1994)
- Hiệp định Hợp tác Du lịch (5/1994)
- Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (5/2000)
- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (5/2000)
- Hiệp định hợp tác Văn hóa (5/2000)
- MOU về Chương trình Hợp tác 6 năm (1994-2000) giữa hai Bộ Nông nghiệp (8/1994)
- MOU về Hợp tác Phòng chống ma túy (3/1995)
- MOU về Hợp tác trong lĩnh vực Lâm nghiệp (3/1995)
- MOU về Hợp tác giữa Ủy ban dân tộc và Miền núi Việt Nam và Bộ Biên giới, Dân tộc và Phát triển Mianma (7/2000)
- MOU thành lập Ủy ban Hợp tác chung về Thương mại (5/2002)
- MOU về Hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (5/2002)
2. Địa chỉ Đại sứ quán hai nước:
Đại sứ quán Mianma tại Việt Nam:
Địa chỉ: 298A đường Kim Mã, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (84-04) 38453369/38232056
Fax: (84-04) 38452404
Email:
mevhan@fpt.vn Đại sứ quán Việt Nam tại Mi-an-ma:
Địa chỉ: 70-72 Thanlwin Road, Bahan Township, Yangon.
Điện thoại: +95-1-511305/+95-1-501992/501993/501994
Fax : +95-1-514897
Email:
vnembmyr@cybertech.net.mm- Giờ địa phương so với Việt Nam: -30 phút
(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 12/2009)