Quên mật khẩu

Đăng ký


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]


Phỏng vấn của BBC với Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Nhà nghiên cứu duy nhất của Việt Nam tại hội thảo Biển Đông ở Manila ngày 16-17/10, về những thay đổi gần đây trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc và Việt Nam.
Chính sách Biển Đông của Việt Nam và Trung Quốc 111019115515_tran_truong_thuy_304x171_bbc_nocredit
Tiến sĩ Trần Trường Thủy: Từ khi ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa Trung Quốc và Asean, Trung Quốc đã thi hành chính sách gây cảm tình (charm offensive) để thu phục nhân tâm các nước Asean theo chiến lược láng giềng tốt.
Nhưng hai, ba năm gần đây, Trung Quốc có điều chỉnh vì họ mạnh lên và cũng vì nhân tố chính trị nội bộ. Tình hình nóng lên, ví dụ việc cấm đánh bắt cá, ngăn tàu khảo sát. Trung Quốc công khai hóa đường lưỡi bò không chỉ về ngoại giao, trên giấy tờ mà cả trên thực tế là thi hành kiểm soát theo phạm vi đường lưỡi bò. Họ tăng cường các biện pháp đơn phương như cấm đánh bắt cá, công bố dự án đầu tư thăm dò dầu khí 30 tỷ đôla, đầu tư dàn khoan nước sâu. Mà những vùng nước sâu ở Biển Đông chắc chắn không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Hải Nam.
Các bước đi của Trung Quốc mang tính thử và đẩy. Họ điều chỉnh chính sách và xem phản ứng các nước thế nào. Nếu thuận thì đẩy tiếp, nếu bị phản ứng thì điều chỉnh. Sau Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) 17, khi Ngoại trưởng Mỹ Clinton can thiệp vào vấn đề Biển Đông, Trung Quốc phản ứng mạnh một thời gian nhưng sau đó cũng điều chỉnh lại cho mềm mỏng hơn.
Điều chỉnh một giai đoạn ngắn, nhưng các sự kiện sau đó cho thấy Trung Quốc cứng rắn trở lại như vụ cắt cáp và các vụ việc về tàu cá, dầu khí khác. Đến khi gặp phản ứng của các nước liên quan và của cộng đồng quốc tế, TQ lại tiếp tục điều chỉnh. Trong hai, ba tháng gần đây, đã ít sự kiện xảy ra hơn. Trung Quốc đồng ý ký với Asean bản hướng dẫn thực thi DOC [tháng Bảy 2011], hay cũng không có nhiều thông tin Trung Quốc bắt giữ ngư dân, hay có hành động cản phá trực tiếp hoạt động dầu khí của các nước khác như trước đây, tất nhiên là họ vẫn có phản đối ngoại giao và bài viết cứng rắn của báo chí.

BBC: Như vậy phải chăng Thỏa thuận vừa ký giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề trên biển có thể đặt trong bối cảnh Trung Quốc điều chỉnh chính sách cho mềm hơn sau khi bị phản ứng các nước?
Nếu so với các quan điểm trước đây thì Trung Quốc cũng có một số điều chỉnh. Thỏa thuận Sáu điểm về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển cho thấy hai bên cam kết giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán thương lượng, dựa trên luật pháp quốc tế, có tính đến yếu tố lịch sử và quan tâm của các bên. Nếu xem kỹ điểm thứ ba sẽ thấy Trung Quốc có điều chỉnh . Tức là những tranh chấp chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì đàm phán hai nước. Nhưng những vấn đề liên quan các nước khác, phải đàm phán với các nước đó. Đây là điểm mà Việt Nam rất kiên định và như thế các nước Asean mới an tâm.

Chính sách Biển Đông của Việt Nam và Trung Quốc 111019122226_manila_forum_304x171_bbc_nocredit

Đó cũng có thể nói là bước tiến của Trung Quốc vì từ trước đến giờ, Trung Quốc chỉ kiên quyết đàm phán song phương kể cả những vấn đề có tranh chấp nhiều nước.
Có những điểm tích cực khác như hai nước thỏa thuận tham vấn Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần và khi cần thiết, tức là khi có căng thẳng cũng có cơ chế để giải quyết tức thì. Bổ trợ cho cơ chế ấy là thiết lập đường dây nóng. Cơ chế mà Trung Quốc và Việt Nam có được, nếu tôi không nhầm thì là lần đầu tiên ở cả châu Á. Năm ngoái có va chạm trên biển giữa Nhật và Trung Quốc liên quan đến bắt giữ thuyền trưởng tàu cá . Một trong những nhân tố làm leo thang căng thẳng là giữa Trung Quốc và Nhật Bản không có cơ chế nói chuyện trực tiếp với nhau khi cần thiết.
Việc ký kết thỏa thuận thể hiện hai nước cam kết giải quyết vấn đề một cách hòa bình và muốn cho thế giới thấy có tiến bộ trong quá trình đàm phán Biển Đông.

BBC:Trong bài phát biểu, anh nói chính sách Biển Đông của Việt Nam cũng có những điều chỉnh. Anh có thể cho biết rõ hơn?
Chính sách của Việt Nam có những cái bất biến, nhưng cũng có những điều chỉnh. Ví dụ, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa là bất biến.
Về quan điểm đối với các vùng biển, Việt Nam có chủ quyền đối với các vùng nội thủy và lãnh hải tính từ đường cơ sở, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, cả đoạn 200 hải lý và đoạn kéo dài như các báo cáo ranh giới ngoài của riêng Việt Nam và báo cáo chung giữa Việt Nam và Malaysia.
Liên quan quy chế pháp lý của các vị trí (hình thái địa chất) ở Hoàng Sa, Trường Sa, qua các báo cáo ranh giới ngoài, nhiều học giả kết luận là Việt Nam không coi các vị trí ở Hoàng Sa, Trường Sa là các đảo và do đó không có các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải. Đây là bước điều chỉnh trong quan điểm của Việt Nam đối với các vùng biển và cũng phù hợp với Công ước LHQ về luật biển 1982. Thực tế, các vị trí nói chung ở Hoàng Sa, Trường Sa đa số không có đời sống kinh tế riêng, nên theo Công ước luật biển, thì chúng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hầu như mọi nước Asean ven Biển Đông đều thống nhất với quan điểm này. Nó tạo thành lập trường chung của Asean – tất nhiên khác với lập trường của Trung Quốc.

BBC:Sau bài thuyết trình của anh, một chuyên gia Trung Quốc, đại sứ Trần Sỹ Cầu đứng lên phản bác một số điểm. Anh nghĩ thế nào?
Dĩ nhiên cái nhìn của Trung Quốc thì khác. Họ xem mình có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và có quyền theo đường lưỡi bò, nên mọi hành động của các nước trong đường lưỡi bò vi phạm quyền của Trung Quốc.
Phản ứng của ông đại sứ cũng là quan điểm công khai của chính phủ khi họ không công nhận Hoàng Sa có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hay họ cho rằng Trung Quốc không muốn mở rộng vùng tranh chấp. Nhưng nếu đọc các văn bản, công hàm, tuyên bố của Trung Quốc gần đây, có thể thấy họ muốn tối đa hóa khu vực tranh chấp khi xem các vị trí Hoàng Sa, Trường Sa là các đảo, và có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Như thế, tranh chấp từ các đảo sẽ mở rộng ra rất lớn.
Bài trình bày của tôi cho thấy Trung Quốc muốn mở rộng khu vực tranh chấp trên cả đường lưỡi bò. Nhưng đường lưỡi bò không có giá trị pháp lý, như trong các thảo luận ở Hội thảo này, tất cả đại biểu đều không hiểu đường lưỡi bò là gì.


Theo Lê Quỳnh, BBC, Manila: Chính sách Biển Đông của VN và TQ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết