Tờ “Thái Dương” ngày 30/7 đăng bài với nhan đề “ Biển Đông nổi sóng gió: Cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Việt Nam về dầu mỏ”, bài báo viết sau khi Quốc dân đảng quay trở lại chấp chính ở Đài Loan, sức ép từ hướng Đông Nam đối với Bắc Kinh giảm đi nhiều.
TTXVN (Hồng Công 30/7)
Nhưng sức ép chiến lược từ hướng Biển Đông lại đột nhiên tăng lên, đặc biệt là việc Việt Nam lợi dụng lúc Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Olympic, đã có những động tác ngấm ngầm ở Biển Đông, hợp tác với công ty dầu mỏ của Mỹ tiến hành thăm dò dầu mỏ ở khu vực biển tranh chấp. Biển Đông nổi sóng gió, quan hệ Trung-Việt dần dần căng thẳng.
Thế vận hội Olympic là việc lớn hàng đầu của Trung Quốc, nhưng cũng trở thành “sợi dây” trói buộc Bắc Kinh. Bắc Kinh tỏ ra thận trọng về ngoại giao, khó nới rộng được chân tay. Việt Nam cảm nhận thấy có cơ hội, đã thọc tay vào Biển Đông, hợp tác với công ty dầu mỏ Exxon Mobile của Mỹ tiến hành thăm dò dầu khí, có ý đồ thông qua những cố gắng lôi kéo Mỹ vào để làm đối trọng với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Sau nhiều lần nhẫn nại, cuối cùng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phải lên tiếng, cho rằng hiệp định ký kết giữa Việt Nam và công ty dầu mỏ Exxon Mobile của Mỹ là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam và Exxon Mobile chấm dứt hiệp định này. Nhưng phía Việt Nam không hề tỏ ra mềm yếu, báo “Sài Gòn giải phóng” thậm chí còn bày tỏ sẽ quyết chiến vì vấn đề Biển Đông.
Việt Nam hiện nay chiếm 28 đảo của Trung Quốc, sản lượng dầu mỏ hàng năm khai thác được tại vùng biển tranh chấp là 8 triệu tấn, thu được lợi ích to lớn. Nhưng Trung Quốc chưa khai thác một giọt dầu nào ở Biển Đông. Tháng 5/1992, Trung Quốc cùng công ty Chris-energy của Mỹ ký kết hiệp định thăm dò dầu mỏ ở bãi Vạn An thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng phía Việt Nam kiên quyết phản đối, phía Trung Quốc đã nhân nhượng, huỷ bỏ hợp đồng.
Kỳ thực chỉ dựa vào sức mạnh của riêng Việt Nam thì về cơ bản Việt Nam không thể đối kháng được với Trung Quốc. Con át chủ bài của Việt Nam là quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, thu hút thế lực phương Tây làm đối trọng với Trung Quốc. Hiện nay Việt Nam chia khu vực biển ở quần đảo Trường Sa thành hơn 100 lô gọi thầu quốc tế thăm dò khai thác dầu khí. Các công ty dầu mỏ của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga đều ký hợp đồng với Việt Nam. Việt Nam rõ ràng có ý đồ tổ chức “đội quân Liên Hợp Quốc” mới để đối phó với Trung Quốc, trong đó quan hệ Việt-Mỹ là phát triển nhanh nhất.
Từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20 sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt-Mỹ phát triển nhanh, cho dù về mặt kinh tế hay quân sự, Việt Nam đều tích cực dựa vào Mỹ. Trong ban lãnh đạo Việt Nam xuất hiện một loạt thế lực thân Mỹ. Tác động nhạy cảm nhất đối với dây thần kinh của Bắc Kinh là việc Việt Nam lại muốn cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh, làm căn cứ của hải quân Mỹ ở Biển Đông, để đổi lấy sự bảo hộ của Mỹ.
Tài nguyên dầu khí ở Biển Đông rất phong phú, vì thế Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng đối với Trung Quốc vốn ngày càng tiêu dùng nhiều năng lượng. Đứng trước thế công mạnh mẽ của Việt Nam, Bắc Kinh buộc phải trả đũa, trọng điểm tăng cường xây dựng hạm đội Biển Đông, xây dựng căn cứ ở Tam Á (Hải Nam), nghe nói tàu ngầm hạt nhân chiến lược “094” hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc đã được bố trí ở căn cứ này. Những vũ khí mới này dùng để đối phó với Việt Nam không tránh khỏi lãng phí “dùng dao phay cắt tiết gà”, nhưng sẽ nêu tác dụng then chốt đối với việc ổn định Biển Đông, ngăn chặn và răn đe sự can thiệp của quốc tế.
Đương nhiên đơn thuần dựa vào vũ lực cũng không thể triệt để giải quyết vấn đề, còn phải sử dụng thế công về chính trị và kinh tế. Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thị trường cổ phiếu suy giảm, đồng đô la mất giá, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đích thân đi Bắc Kinh cầu viện. Về việc này, Bắc Kinh không nên quá thiện chí, phải gắn việc viện trợ kinh tế với vấn đề Biển Đông. Đối với tập đoàn dầu mỏ quốc tế mà Việt Nam dựng nên, Bắc Kinh cũng cần phải sử dụng cả thủ đoạn cứng rắn và mềm mỏng để tìm cách phân hoá, đánh gục từng đối thủ. Tóm lại, trong vấn đề Biển Đông không thể một chút mềm yếu. Mềm yếu sẽ có tội với tổ tiên, có tội với thế hệ sau./.