Một hôm, đang chơi trong chùa, cậu bé Lai đã trèo lên xoa vào đầu bức tượng rồi nói: "Đẹp trai nhỉ, giá như sau này mình đẻ được người con thế này thì tốt”. Như có quả báo, câu nói đùa hồi trẻ con lại trở thành hiện thực vận vào hai đứa con của ông sau này?Ở thôn Văn Cao (xã Hữu Bằng, Kiến Thụy, Hải Phòng), hơn 30 năm nay người dân vẫn truyền tai nhau câu chuyện huyền bí mang màu sắc hoang đường về người đàn ông có đứa con “giống Bụt”.
Qua lời kể hùng hồn và thuyết phục của những người từng gặp mặt đứa bé, chúng tôi quyết định đi tìm sự thật về lời đồn kỳ bí này.
Xôn xao câu chuyện “Bụt phạt”Ba chục năm nay, những tưởng, theo thời gian câu chuyện mang nhiều màu sắc hoang đường về người đàn ông có khuôn mặt Bụt đã rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, điều bất ngờ, người dân Hữu Bằng vẫn không ngừng truyền tai nhau, kể vanh vách cho nhau nghe mỗi khi nhắc đến chuyện này.
Bà Nguyễn Thị Loan, người xã Thanh Sơn (cạnh xã Hữu Bằng), từng chứng kiến sự việc nhớ lại: "Chúng nó chỉ giống tượng phật bằng gỗ ngày xưa thôi. Da dẻ cũng như vậy, màu gỗ mốc, mắt một mí, sắc, tai sát vào không mở ra như bình thường. Một đứa mất hồi nhỏ, bây giờ nhà ông ấy vẫn còn một đứa đấy”.
Vợ chồng ông Lai và cậu con trai.Theo lời chỉ dẫn của bà Loan, chúng tôi tìm về xã Hữu Bằng để mục sở thị câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền bí này.
Người dân nơi đây kể lại, vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, tại làng Văn Cao, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng có một ngôi chùa bị bỏ hoang, đổ nát. Trong chùa chỉ còn mỗi bức tượng phật bằng gỗ là nguyên vẹn nhưng cũng đã tróc sơn vì mưa nắng. Đám trẻ chăn trâu trong làng thường ra đây chơi đùa.
Ông Nguyễn Văn Lai (SN 1954) khi đó chừng 13- 14 tuổi vốn nổi tiếng nghịch ngợm trong vùng. Một hôm, đang chơi trong chùa, cậu bé Lai đã trèo lên xoa vào đầu bức tượng rồi nói: "Đẹp trai nhỉ, giá như sau này mình đẻ được người con thế này thì tốt”.
Như có quả báo, chẳng ai ngờ câu nói đùa hồi trẻ con lại trở thành hiện thực vận vào hai đứa con của ông sau này?
Năm 1976, ông Lai kết hôn với bà Nguyễn Thị Bải. Đôi vợ chồng nghèo ở một ngôi nhà tranh cuối làng Văn Cao. Năm 1980, vợ chồng ông Lai sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Văn Vũ.
Khi mới sinh, người Vũ đỏ hỏn như quả mận chín, gia đình ông tưởng trẻ con mới đẻ ra người đỏ như vậy là bình thường. Nhưng được ba tuổi, người Vũ vẫn đỏ hỏn, không những vậy đầu còn không mọc tóc, da bị tróc vảy, không đi lại được, lúc nào cũng nằm với ngồi.
Chưa hết bàng hoàng, 6 năm sau, vợ chồng ông Lai lại sinh được người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Lê.
Lạ kỳ, người con gái cũng có mặt mày và nước da đỏ hỏn bị tróc vẩy giống hệt như anh trai. Hai người con của ông Lai lớn lên chẳng nói chẳng rằng, mắt to, môi thâm, đầu trọc, da tróc vẩy trắng, suốt ngày ngồi như tượng.
Lúc này, người ta mới bàn tán câu chuyện xảy ra ở ngôi chùa hoang cuối làng năm xưa. Câu chuyện nghịch Bụt đã khiến gia đình ông hoang mang, lo lắng.
Nghe mọi người mách nước vợ chồng ông đã đi cầu cúng khắp nơi, cứ chỗ nào có thầy giỏi là vợ chồng ông Lai lại tìm đến. Có lẽ, vì lời khẩn cầu thành tâm của vợ chồng ông nên ba người con sau này sinh ra đều bình thường.
Hoàn cảnh thương tâmChúng tôi tìm vào nhà ông Nguyễn Văn Lai đúng dịp ngày mùa, con đường làng ngập tràn rơm rạ. Ở cái làng này ai cũng thương cho vợ chồng ông Lai.
“Nhà ông Lai nghèo lắm. Trước kia ở nhà đất, có năm đứa con thì hai đứa bị bệnh tật, đốt không biết bao nhiêu tiền của chạy chữa mà chẳng khỏi. May mắn là có dự án đường cao tốc chạy qua, được đền bù ít tiền nên gia đình ông xây được cái nhà tử tế chứ không thì chẳng biết bao giờ mới ngóc đầu lên được”, một người dân trong làng cho biết.
Nguyễn Văn Vũ.Thoạt nhìn, ông Lai có thân hình chắc khỏe, nước da ngăm đen. Nhìn kỹ trên mặt ông người ta có thể nhận thấy nỗi khắc khổ còn đọng lại ở những nếp nhăn kéo đôi mắt buồn u tịch.
Đi bộ đội từ tháng 3 năm 1975, năm 1976 về nhà cưới vợ sau đó ông tiếp tục đi làm nghĩa vụ quân sự đến năm 1979 thì xuất ngũ.
Năm 1980, hai vợ chồng vui mừng khi đứa con đầu tiên chào đời. Gia đình đặt tên con là Nguyễn Văn Vũ.
Hồi mới sinh, da Vũ đỏ như da quả mận, người nhà cứ nghĩ là bị tràm sau đó đưa đến bệnh viện Nhi Đức để chăm sóc trong lồng ấp.
Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán Vũ bị tắc tuyến mồ hôi bẩm sinh. Hai năm sau, vợ chồng ông tiếp tục sinh thêm người con thứ hai đặt tên là Nguyễn Thị Lê.
Điều lạ kỳ, Lê cũng bị những triệu trứng như của Vũ. Gia đình ông vô cùng buồn bã, lại nghe lời đồn đoán của người dân nên rất hoang mang.
Bà Bải nhiều đêm chỉ biết ôm gối khóc ròng. “Hồi ấy, vừa chạy chữa cho các cháu, chúng tôi nghe người ta mách nên cũng đi cầu cúng các nơi. Bà nội, bà ngoại còn đưa các cháu lên chùa bán. Nhưng đấy chỉ là những biện pháp để giải tỏa tâm lý”, bà Bải kể lại.
Năm 1986, ông Lai đưa Vũ và Lê lên bệnh viện Việt - Tiệp, khoa Da liễu ở TP Hải Phòng để xét nghiệm. Kết quả lần này cũng khẳng định, hai đứa trẻ bị tắc tuyến mồ hôi bẩm sinh.
Bác sĩ ghi trong bệnh án là do nhiễm xạ. Lúc này ông Lai mới nhớ lại: "Hồi làm bộ đội tên lửa, sau những lần bắn tập thường phải vệ sinh bệ phóng. Có đôi ba lần trong lúc làm việc tôi đã hít phải thứ khí ô khí Gơ gì đó mà người ta hay gọi, sau đó về thì thấy người mệt mỏi. Nhưng chỉ thời gian ấy thôi, sau này thì người bình thường”.
May mắn, qua thời gian điều trị, những năm sau đó ông Lai sinh được ba người con nữa và cả ba đều khỏe mạnh, bình thường.
Ông Lai bộc bạch: "Trước đây gia đình khó khăn lắm, gần đây được đền bù mảnh đất vài trăm triệu cũng cố gắng xây cái nhà cho các cháu nó ở đàng hoàng. Vũ trước đây còn đi lại, tự sinh hoạt được nhưng sáu, bảy năm trở lại đây mắt cháu mờ đi, tay không còn linh hoạt, gia đình phải đút cho ăn. Hiện ba đứa con sau của tôi thì hai đứa đang học đại học. Gia đình vẫn phải vay mượn để nuôi các cháu ăn học”.
Gặp Vũ, ban đầu chúng tôi cũng không khỏi giật mình bởi ngoại hình của anh có nét giống pho tượng. Chúng tôi hiểu vì sao người ta lắp ghép thành câu chuyện ly kỳ như vậy.
Trái với vẻ bề ngoài dữ dằn, Vũ rất thật thà và thân thiện, đặc biệt giọng nói của anh rất khoẻ khoắn, sang sảng.
Từ khi sinh ra cho đến bây giờ Vũ sinh hoạt rất khó khăn, da lúc nào cũng khô, bong, nứt nẻ. Mỗi sáng thức dậy mất khoảng 15 phút cho da co dãn rồi mới hoạt động được. Mỗi ngày Vũ đều phải dùng thuốc mỡ bôi da và thuốc nhỏ mắt, trung bình một tuần hết hai lọ.
Ngồi được một lúc, đứng dậy lớp da lại bong ra và rơi xuống đất. Ông Lai lại cầm chổi khua khua và hót cẩn thận lớp da bong tróc.
Hiện tại, Vũ được chế độ 202 dành cho người tàn tật, mỗi tháng anh được trợ cấp 360 nghìn đồng. Những giấy tờ xét nghiệm khi xưa đã bị thất lạc nên không đủ hồ sơ để làm chế độ cao hơn cho Vũ.
Mùa đông sắp tới, Vũ lại sắp phải đối mặt với nỗi đau đớn thể xác lớn nhất trong năm. Vì lúc thời tiết hanh khô, lớp da của Vũ sẽ nứt nẻ nhiều hơn và bong ra từng mảng lớn khiến chảy máu.
Nỗi đau này đã kéo dài 31 năm và Vũ vẫn còn phải tiếp tục đối mặt cho đến hết cuộc đời...
Ông Nguyễn Trường Sơn, trưởng thôn Văn Cao cho biết: "Ngày trước, đình, chùa bị tàn phá, trẻ con vào chơi là chuyện bình thường. Ông Lai hồi đó nghịch thật nhưng cũng chẳng đến nỗi nói như những lời đồn thổi. Tượng ở chùa hồi đó, trẻ con đứa nào chả sờ, chả nghịch, chưa kể những người phá chùa sao họ lại chẳng bị gì? Hơn nữa, năm 2010 và trước đấy ông ấy cũng đi xét nghiệm là bị nhiễm xạ, hai đứa con chẳng qua bị bệnh hiếm gặp nên mọi người thêu dệt cho ly kỳ chứ thật sự không có câu chuyện như lời đồn người ta vẫn kể”