I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Cộng hòa Ấn Độ
2. Thủ đô: Niu Đê-li
3. Vị trí địa lý: Nằm tại Nam Á, phía Bắc giáp Trung Quốc, Nê-pan và Bu-tan; Đông Bắc giáp Miến Điện, Băng-la-đét; Tây Bắc giáp Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan; Tây, Đông và Nam là Ấn Độ Dương bao bọc. Ấn Độ có khoảng 14.103 km đường biên giới đất liền và 7.516 km bờ biển.
4. Diện tích: khoảng 3,3 triệu km2
5. Dân số: Xấp xỉ 1,148 tỷ người (2008).
6. Ngày Quốc khánh: 15/8/1947
7. Tôn giáo: Có sáu tôn giáo chính: Ấn Độ giáo (còn gọi là đạo Hindu, chiếm 80,5% dân số), Hồi giáo (chiếm 13,4%), Thiên chúa giáo (chiếm 2,3% ), Đạo Sikh (chiếm 1,9%); các tôn giáo khác chiếm khoảng 1,8%...
8. Ngôn ngữ: 15 ngôn ngữ chính và 844 thổ ngữ khác. Tiếng Hindi là ngôn ngữ chính thức làm việc của Nhà nước liên bang, khoảng 45% dân số sử dụng. Tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp, được sử dụng rộng rãi
9. Đơn vị tiền tệ: Rupi
10. Thể chế chính trị: Nhà nước Ấn Độ được tổ chức theo hình thức liên bang và theo chế độ dân chủ đại nghị.
- Quốc hội liên bang gồm 2 viện: Thượng viện (Rajya Sahba) và Hạ viện (Lok Sahba) có 543 ghế.
- Chính phủ Liên bang gồm có: Tổng thống, Phó Tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng.
II. QUAN HỆ NGOẠI GIAO, KINH TẾ VỚI VIỆT NAM:
1. Quan hệ ngoại giao với Việt Nam:
Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này. Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại Niu Đê-li. Ngày 07/01/1972 hai nước nâng quan hệ lên cấp đại sứ.
2. Quan hệ chính trị:
Quan hệ chính trị phát triển tốt đẹp và hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Phía Việt Nam thăm Ấn Độ có: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1978 và 1980), Tổng Bí thư Lê Duẩn (1984), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1989), Tổng Bí thư Đỗ Mười (1992), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Ấn Độ (1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2003) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2007), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Ấn Độ (2009). Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI”. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Phía Ấn Độ thăm Việt Nam có: Tổng thống Rajendra Prasad (1959), Thủ tướng R.Gandhi (1985 và 1988), Tổng thống R. Venkatraman (1991), Phó Tổng thống K.R. Narayanan (1993), Thủ tướng P.V. Narasimha Rao (1994), Thủ tướng A.B. Vajpayee (1/2001), Chủ tịch Quốc hội Somnath Chatterjee (3/2007), Tổng thống Pratibha Patil (2008).
3. Hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác:
Năm 1982, hai nước lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (UBHH). Đây là cơ chế quan trọng giúp hai bên trao đổi và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác nhau, trong đó có việc xây dựng Chương trình hành động 3 năm 1 lần. Đến nay, UBHH đã họp 13 kỳ. Tháng 2/2007, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm chính thức Ấn Độ kết hợp họp UBHH 13.
- Thương mại giữa hai nước tăng khá nhanh, từ 72 triệu USD (1995), lên trên 1 tỷ USD (2006) và 2,5 tỷ USD (2008). Tính đến tháng 10/2009 đạt 1,643 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam là: Thức ăn gia súc, điện thoại di động, máy móc thiết bị, tân dược, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép và kim loại khác, nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may và da, vải các loại, thuốc trừ sâu...Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ là: than đá, hạt tiêu, linh kiện điện tử, cao su, quế, máy móc và thiết bị, thép, sợi, giày dép…
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào Việt Nam: tính đến tháng 9/2009, Ấn Độ có tổng cộng 35 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 201,1 triệu USD, đứng thứ 32 trong tổng số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, từ năm 2007, nhiều tập đoàn lớn khác của Ấn Độ như Essar, Tata đã quan tâm xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.
- Về tín dụng: Từ năm 1976, Ấn Độ dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi. Năm 2007, Ấn Độ công bố dành cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho dự án Thủy điện Nậm Chiến, hiệp định vay tín dụng này đã được ký vào tháng 1/2008. Ấn Độ tiếp tục công bố một khoản tín dụng mới cho Việt Nam trị giá 19,5 triệu USD.
- Về giáo dục-đào tạo: Ấn Độ giúp Việt Nam nhiều chương trình đào tạo ngắn và dài hạn với trên 100 suất học bổng các loại hàng năm, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương (Hợp tác sông Hằng-sông Mê-công, Kế hoạch Colombo), trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là đào tạo nông nghiệp, tin học và tiếng Anh, viễn thám. Ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam sang Ấn Độ học tự túc do chất lượng và chi phí hợp lý. Việt Nam cũng đã cấp cho sinh viên Ấn Độ 02 học bổng đào tạo tiếng Việt trong năm học 2006/2007.
- Về khoa học-công nghệ: Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký năm 1976, ký lại năm 1996. Tiểu ban hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam và Ấn Độ được thành lập năm 1997 và kỳ họp lần thứ 7 của Tiểu ban được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2008. Nghị định thư về Công nghệ thông tin Việt Nam - Ấn Độ được ký năm 1999. Dự án Hỗ trợ Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm ở Việt Nam sử dụng khoản viện trợ 2,5 triệu USD của Ấn Độ chuyển từ khoản lãi phạt tín dụng lương thực (Do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì) đã được triển khai hiệu quả từ năm 2001, kết thúc tháng 6/2008 với kết quả tốt.
- Về hợp tác văn hóa: Hiệp định hợp tác văn hóa giữa hai nước được ký năm 1976, là cơ sở cho Chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước, được gia hạn định kỳ (gần đây nhất được gia hạn trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007). Hai bên tiếp tục trao đổi đoàn nghệ thuật hàng năm.
- Về an ninh-quốc phòng: Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này phát triển tốt.
- Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế: Ấn Độ ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam luôn ủng hộ Ấn Độ tăng cường quan hệ với ASEAN, tham gia vào hợp tác Đông Á, ủng hộ Ấn Độ làm Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở rộng.
- Hai nước đã ký các Hiệp định Thương mại, Tránh đánh thuế hai lần, Khuyến khích và bảo hộ Đầu tư, Lãnh sự, Hợp tác Văn hóa, Hàng không, Du lịch, Tương trợ tư pháp về hình sự...; đã ký các Thỏa thuận về Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Hợp tác về Mỏ và Địa chất, Môi trường, Y học dân tộc và Nghị định thư về hợp tác quốc phòng. Tại Cấp cao ASEAN 15 tháng 10/2009 tại Hủa Hỉn, Thái Lan, hai nước ký Bản ghi nhớ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ (MES).
4. Đại sứ quán:
Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam:
Địa chỉ: Số 58-60 Trần Hưng Đạo – Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (84-04) 38244989/90
Fax: (84-04) 38244998
Email:
embassyindia@fpt.vnTổng Lãnh sự quán Cộng hòa Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 55, Đường Nguyễn ĐÌnh Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: 08-38237050
Fax: 08-38237047
E-mail:
cgihcmc@hcm.vnn.vnWebsite:
www.india-consulate.org.vnĐại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ:
Địa chỉ: 17 Kautilya Marg, Chanakyapuri, New Delhi, 110021
Điện thoại: +91-11-23018059
Fax: +91-11-23017714/ 23018448
Email:
ebsvnin@yahoo.com.vnTổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Mum-bai (Ấn Độ):
Địa chỉ: B-306, Oberoi Chambers, New Link Road, Andheri (W) Mumbai 400053
Điện thoại: +91-22-26736688/6732339
Fax: +91-22-26736633
Email:
tlsq.mumbai@mofa.gov.vn- Giờ địa phương so với Việt Nam: -1 giờ 30 phút
(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 12/2009)